Bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu
Sáng 15/11, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức hội thảo 'Cở sở khoa học và thực tiễn xây dựng chiến lược huy động cộng đồng tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu hướng tới nền kinh tế xanh'.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam cho biết, đây là hội thảo đầu tiên trong việc góp ý kiến sửa đổi điều luật 17, đây là nhiệm vụ của Bộ TN&MT giao cho Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, trong chiến lược huy động cộng đồng trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xanh.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã đưa ra những báo cáo tham luận xoay quanh vấn đề tăng cường quản lý tài nguyên (QLTN), bảo vệ môi trường (BVMT), mô hình ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) của cộng đồng.
Trên thực tế, việc thực hiện các nội hàm liên quan đến cộng đồng thường ít được quan tâm, và nếu được thực hiện thì kết quả cũng chưa đáp ứng được mong muốn của cộng đồng. Để thực hiện thành công Nghị quyết TƯ số 24 về Chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường", cần phải xem xét, xây dựng một chiến lược phát huy sức mạnh cộng đồng trong QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH.
PGS.TS. Nguyễn Văn Viết - Hội BVTN&MT Việt Nam cho rằng, cộng đồng phải được chủ động trong các lĩnh vực, phải được trực tiếp tổ chức và tham gia các hoạt động cần thiết như một chủ thể trong BVMT.
Đặc biệt, bảo tồn cây di sản Việt Nam là một mô hình huy động sức mạnh cộng đồng BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học cho phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, mô hình này chưa có tiền lệ ở Việt Nam, cần có sự quan tâm của các cấp quản lý, các Bộ, ngành có liên quan.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học cho rằng, BĐKH là một trong những thách thức lớn của Việt Nam, các tác động của BĐKH đang hiện hữu và gây ra những hậu quả to lớn, toàn diện, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Vì vậy, xây dựng mô hình ứng phó BĐKH của cộng đồng là vô cùng cần thiết.
Những năm gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình có tính sáng tạo cao được triển khai, tập trung như: Mô hình thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái, mô hình tạo sinh kế thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng... hướng tới nền kinh tế xanh phát triển bền vững, ít cacbon- nền Kinh tế Xanh.
Đồng thời, cần phát huy kiến thức cộng đồng ứng phó với BĐKH, phát triển nền kinh tế cacbon thấp nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an ninh và phát triển bền vững quốc gia trong bối cảnh như hiện nay" - Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng bền vững Ngô Thị Lan Phương chia sẻ.
Các tổ chức cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững đất nước có vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân xây dựng các mô hình phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường là điều rất cần thiết. Hiện nay, công tác phòng ngừa sẵn sàng ứng phó với sự cố tại cơ sở được quan tâm, các cơ sở xây dựng kế hoạch, đầu tư trang thiết bị vật tư, triển khai tập huấn định kì, huy động nguồn lực bên ngoài...
Giám đốc Trung tâm Ứng phó Sự cố môi trường Việt Nam Phạm Văn Sơn cho biết, các trung tâm quốc gia có trách nhiệm ứng phó, riêng trung tâm SOS ứng phó 98 vụ (tính đến ngày 10/11/2019), đào tạo huấn luyện kỹ năng ứng phó sự cố tràn dầu 230 khóa... Ông Sơn cũng cho rằng, cần phải xã hội hóa trong hoạt động phòng ngừa sự cố môi trường, trong công tác thanh tra kiểm tra và nâng cao vai trò của đội ngũ chuyên gia và lực lượng chuyên nghiệp.
Hội thảo cũng đưa ra nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Cộng đồng dân cư và doanh nghiệp trong quản lý, BVMT, chủ động ứng phó với BĐKH. Các vấn đề hợp tác cùng địa phương và cộng đồng ven biển trong QLTN, BVMT...