Bảo vệ môi trường để phát triển toàn diện và bền vững

Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn dự báo, gây hậu quả ngày càng lớn. Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn thấp, nền kinh tế dễ bị tổn thương và chịu thiệt hại lớn khi có thiên tai xảy ra.

Quản lý tài nguyên thiên nhiên còn nhiều yếu kém. Ô nhiễm môi trường chưa giải quyết triệt để, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân, trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Do vậy công tác bảo vệ môi trường cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa để hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững.

Thực trạng

Tại Bình Thuận, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tuy đã đạt được một số thành tựu quan trọng như: Hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường từng bước được hoàn thiện, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường được tăng cường. Các điều kiện cơ bản, thiết yếu làm tiền đề, tạo thế và lực cho công tác bảo vệ môi trường thời gian tới đã được đáp ứng. Ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong xã hội được nâng cao. Nhiều vấn đề môi trường bức xúc, kéo dài được giải quyết. Các giải pháp bảo vệ môi trường trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội đã được quan tâm đầu tư thực hiện. Huy động được nhiều nguồn lực để từng bước chủ động bảo vệ, cải thiện môi trường và ứng phó với biến đối khí hậu… Song bên cạnh đó, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có vấn đề suy thoái môi trường gay gắt. Sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây ra triều cường, lũ, lụt, mưa, bão với cường độ ngày càng lớn, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Tình trạng ô nhiễm môi trường đang lan rộng, việc quản lý khai thác tài nguyên thiên nhiên có nơi còn thiếu kiểm soát…

Dọn rác bảo vệ môi trường ven biển. Ảnh: Đình Hòa.

Dọn rác bảo vệ môi trường ven biển. Ảnh: Đình Hòa.

Nhiệm vụ cấp bách

Trước thực trạng trên, toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cần phải luôn nâng cao nhận thức và hành động trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường đang trở thành nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phải xác định rõ công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là trung tâm của các quyết định phát triển; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường; bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, các địa phương phù hợp với yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường trong từng giai đoạn cụ thể. Hạn chế tối đa các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các dự án phát triển kinh tế khai thác không hiệu quả, sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, xả thải nhiều chất ô nhiễm, phát thải khí nhà kính, hủy hoại cảnh quan, sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là vùng đầu nguồn nước, khu dân cư, vùng ven sông, vùng ven biển, hải đảo. Kiểm soát chặt chẽ cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và các nguồn xả thải; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả biện pháp đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động hoặc buộc di dời theo quy định pháp luật. Thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp –tiểu thủ công nghiệp, cơ sở dịch vụ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các khu dân cư tập trung. Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng tiết kiệm năng lượng. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa việc thu gom, xử lý rác thải, chất thải. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết. Chủ động triển khai các phương án, biện pháp phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Quan tâm chống xâm thực bờ biển tại các khu du lịch, khu dân cư ven biển; tiếp tục thực hiện tốt công tác nạo vét cửa sông, cửa biển, khơi thông luồng lạch cho tàu thuyền; thực hiện kịp thời các giải pháp chống hạn cho sản xuất và sinh hoạt. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm về tài nguyên, môi trường; kết hợp xử lý hành chính, hình sự với áp dụng công cụ kinh tế, thị trường để bảo đảm thực thi có hiệu quả các chính sách, quy định của pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Rà soát, đề xuất điều chỉnh theo thẩm quyền các quy định xử lý vi phạm theo hướng nâng cao hơn mức xử phạt, bảo đảm đủ sức răn đe giáo dục, phòng ngừa chung. Tăng cường, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu…

Thực hiện tốt những giải pháp trên, sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích về môi trường, kinh tế, từ đó, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về định hướng phát triển toàn diện và bền vững trong tương lai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng chỉ đạo: “Ưu tiên phát triển kinh tế theo hướng xanh, sạch, đẹp, chất lượng cao gắn với tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; phát triển hài hòa, gắn kết giữa kinh tế với văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; kiên quyết không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

P.V

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bao-ve-moi-truong-de-phat-trien-toan-dien-va-ben-vung-129708.html