Bảo vệ môi trường nước tại vùng nuôi trồng thủy sản
Nguồn nước bị ô nhiễm, trong khi, quy trình cải tạo, xử lý còn hạn chế đã gây tác động tiêu cực đến môi trường nuôi trồng thủy sản (NTTS). Để cải thiện môi trường nước cho các vùng NTTS, Chi cục Thủy sản tỉnh đã triển khai các giải pháp khắc phục.
Vĩnh Phúc có sông Hồng, sông Lô, sông Cà Lồ chảy qua, cùng hơn 900 hồ chứa, gần 2,5 nghìn ha diện tích mặt nước nên có nhiều tiềm năng để phát triển nghề NTTS. Theo Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh có hơn 6.000 ha mặt nước NTTS, với hơn 10.000 hộ NTTS.
Nhờ áp dụng những tiến bộ KHKT, quan tâm công tác phòng, chống dịch bệnh, những năm gần đây, ngành thủy sản nói chung và NTTS nói tiêng của tỉnh đã có những bước phát triển, tạo thu nhập và công ăn việc làm cho một bộ phận lực lượng lao động ở nông thôn, Năm 2021, sản lượng NTTS của tỉnh đạt gần 22 nghìn tấn, tăng gần 4 nghìn tấn so với năm 2016.
Tuy nhiên, hiện nay, nghề NTTS trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn, về nguồn nước và chất lượng nước phục vụ sản xuất.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phan Thị Luyến cho biết: Hiện nay, nguồn nước cấp để sử dụng trong NTTS trên địa bàn tỉnh chủ yếu được lấy từ sông Hồng, sông Lô, sông phó Đáy… và các hồ thủy lợi.
Trong khi, nguồn nước này đang bị ô nhiễm do chất thải trong sản xuất công nghiệp; phát triển đô thị, nước thải, rác thải sinh hoạt từ các khu dân cư, làng nghề; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; việc sử dụng thức ăn công nghiệp, thuốc, kháng sinh trong quá trình NTTS.
Đáng nói, hầu hết các vùng NTTS trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, dẫn đến tình trạng nước thải từ ao nuôi nhiễm bệnh vẫn thải ra hệ thống kênh mương cấp nước chung, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh thủy sản trên diện rộng, gây thiệt hại cho người nuôi.
Để bảo vệ môi trường nước trong NTTS, hằng năm, Chi cục Thủy sản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy trình xử lý môi trường ao nuôi trước; khuyến khích các hộ thực hiện NTTS theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng các chế phẩm sinh học trong danh mục cho phép để xử lý lượng thức ăn dư thừa, các chất thải, đảm bảo cân bằng chất lượng nước trong ao NTTS; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.
Trong giai đoạn 2016-2020, chi cục đã hỗ trợ 525 máy tạo ô xy cho 525 hộ NTTS theo Nghị quyết số 201 của HĐND tỉnh. Trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao vào NTTS nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường như: Mô hình nuôi cá truyền thống theo công nghệ “sông trong ao”, mô hình nuôi cá rô phi theo công nghệ Biofloc...
Để kiểm soát chất lượng nước và cảnh báo môi trường kịp thời cho người nuôi, chi cục đã làm tốt công tác quan trắc môi trường nước cấp cho các vùng NTTS. Theo Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường trong NTTS giai đoạn 2021 - 2026, mỗi năm, chi cục tổ chức 6 đợt quan trắc môi trường nước tại các khu sản xuất giống; đầu nguồn nước cấp cho các vùng sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và NTTS thương phẩm tập trung để phân tích các chỉ tiêu, gồm: DO (Oxy hòa tan), COD (nhu cầu oxy hóa học), PH, độ trong, N-NH4+ (Nitơ-Amoni), H2S (hydro Sunfua), Fe (sắt), TSS (tổng chất rắn lơ lửng), NO2-(Nitrite) và vi khuẩn Streptococcus sp.
Nhờ vậy, nhiều năm qua, chất lượng nước trong NTTS được nâng lên, người dân có ý thức hơn trong việc xử lý môi trường ao nuôi của gia đình để tăng năng suất, hiệu quả trên một đơn vị diện tích.
Theo kết quả quan trắc môi trường nước tại ao nuôi cá thịt và cá giống, kênh cấp trên địa bàn 11 xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố, gồm: Vũ Di, Yên Lập, Cao Đại, Tuân Chính, Phú Đa, huyện Vĩnh Tường; Tam Hồng, Nguyệt Đức, Yên Đồng, huyện Yên Lạc; Tân Phong, huyện Bình Xuyên; Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên; Tứ Yên, huyện Sông Lô cho thấy, chất lượng nước cho NTTS đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số mẫu nước có các thông số môi trường chưa đạt.
Cụ thể, có 7/34 mẫu nước có thông số COD vượt quy chuẩn cho phép; 16/34 mẫu nước có hàm lượng TSS vượt ngưỡng 20mg/l; 7 /34 mẫu có giá trị N-NH4+ vượt giới hạn cho phép; 17/34 mẫu nước có hàm lượng NO2- vượt ngưỡng cho phép; 20/34 mẫu nước nhiễm vi khuẩn Streptococcus sp.
Từ kết quả quan trắc môi trường trong NTTS, chi cục đã kịp thời đưa ra khuyến cáo cho bà con nhằm cải thiện môi trường nước trong ao nuôi, hạn chế xuống mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế.
Để phát triển thủy sản theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, Chi cục Thủy sản tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường trong NTTS, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, sản xuất thủy sản theo hướng thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao vào NTTS; thực hiện có hiệu quả Kế hoạch quan trắc môi trường nước trong NTTS giai đoạn 2021-2025; đồng thời, tham mưu cho Sở NN&PTNT đề xuất với UBND tỉnh ban hành các chính sách mới để phát triển ngành NTTS, trong đó, chú trọng các chính sách góp phần bảo vệ môi trường nước cho NTTS.