Bảo vệ môi trường tỉnh Phú Yên: Giải pháp từ các chuyên gia
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương (áo trắng) và thiếu tướng Đặng Hồng Triển, Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga ký kết hợp tác. Ảnh: MINH DUYÊN
Từ hoạt động nghiên cứu thực tế tại Phú Yên, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính khoa học góp phần hoàn thiện hệ thống phương pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Báo Phú Yên vừa ghi lại các giải pháp này tại Hội thảo khoa học về định hướng bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
PGS.TS NGUYỄN CHU HỒI, CHỦ TỊCH HỘI THIÊN NHIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG BIỂN: Xây dựng nền kinh tế biển xanh theo hướng hài hòa giữa bảo tồn và phát triển
Phú Yên có bờ biển dài 189km, diện tích vùng biển trên 6.900km2 với nhiều vũng vịnh lớn mang tới nguồn lợi thủy hải sản và tài nguyên du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Thời gian qua, quá trình khai thác, sử dụng dải ven biển và tiềm năng biển của tỉnh còn hạn chế do các vấn đề môi trường gây ra như xói lở bờ biển, ô nhiễm vùng nuôi…
Nếu không bảo vệ hệ sinh thái biển sẽ mất đi cơ sở hạ tầng tự nhiên bảo vệ bờ biển. Giải pháp ở đây là quy hoạch vùng nuôi để đầu tư đồng bộ hạ tầng cơ sở, xử lý nước thải bằng công nghệ hiện đại và quản lý mật độ nuôi. Hạn chế sử dụng các hóa chất có gốc cypermethrin vào diệt giáp xác, thay thế bằng những chất có nguồn gốc tự nhiên như tỏi cộng với bổ sung vitamin.
Nâng cao ý thức của người dân, không chỉ các hộ nuôi trồng thủy hải sản mà cả những du khách về bảo vệ môi trường, văn hóa ứng xử nơi công cộng; chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản theo hướng giảm mật độ đầm nuôi, lồng nuôi, khuyến khích nuôi biển và nuôi trên cạn phù hợp với bản chất tự nhiên của từng loại hình thủy vực; thiết lập khu bảo tồn biển gắn với du lịch sinh thái dựa vào tự nhiên; hình thành văn hóa sinh thái biển…
BÀ NGUYỄN THỊ THU HIỀN, ĐIỀU PHỐI VIÊN QUỸ MÔI TRƯỜNG TOÀN CẦU (GEF SGP): Trao quyền pháp lý cho người dân để nâng cao ý thức, tăng tính cộng đồng
9 năm qua, Phú Yên được đầu tư 9 dự án với số tiền 400.000USD từ Quỹ môi trường toàn cầu. Gần nhất là dự án Bảo vệ vùng ven sông Kỳ Lộ ở huyện Đồng Xuân.
Từ thực tế triển khai ở các địa phương, chúng tôi cho rằng không có giải pháp duy nhất cho vấn đề ô nhiễm môi trường mà phải đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó quan trọng nhất là sự đồng thuận của cộng đồng dân cư và cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị địa phương.
Ở vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những tác động do biến đổi khí hậu môi trường gây ra như ngập mặn, lũ lụt, hạn hán, xói lở… cần có cơ chế pháp lý trao quyền chủ động cho người dân như quyền sở hữu đất, quyền khai thác…
Không ai khác, chính những cư dân sống trong vùng chịu ảnh hưởng hiểu sâu sắc tác hại do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu gây ra và cũng chính họ mong mỏi hơn bao giờ hết được hỗ trợ giải quyết vấn đề. Các giải pháp bảo vệ môi trường chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi ý thức gắn liền với trách nhiệm và sinh kế.
ThS TRẦN THU HƯƠNG, CÁN BỘ KỸ THUẬT TỔ CHỨC QUỐC TẾ VỀ BẢO TỒN THIÊN NHIÊN TẠI VIỆT NAM (WWF): Đẩy mạnh thu hút các dự án về môi trường
WWF đang tìm kiếm các địa phương tiềm năng tham gia dự án Các đô thị giảm nhựa. Đối chiếu các tiêu chí đánh giá, tỉnh Phú Yên có tiềm năng tham gia. Dự án sẽ góp phần hỗ trợ tỉnh bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động như khảo sát hiện trạng và hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động giảm ô nhiễm rác thải nhựa; hỗ trợ liên kết các ngành có liên quan đến sử dụng rác thải nhựa; thực hiện điểm các mô hình giảm nhựa; truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng.
Từ đây, vấn đề rác thải nhựa, rác thải tại địa phương sẽ được kiểm soát theo vòng đời của rác từ khâu sử dụng đến phân loại và thu gom, cải thiện khâu tái chế, tăng khả năng tái sử dụng và quản lý bãi chôn lấp rác thải.
Ngoài ra, đang có rất nhiều tổ chức trong và ngoài nước đang triển khai các dự án liên quan tới bảo vệ môi trường, Phú Yên nên tranh thủ thu hút đầu tư vào lĩnh vực này để có thêm kinh phí cũng như kinh nghiệm giải quyết các vấn đề về môi trường.
ThS TRẦN THỊ HOA, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN XANH (Greenhub): Phân loại rác thải để biến rác thải thành tài nguyên
Đơn vị kiểm toán rác thải tại một số hộ gia đình, nhà hàng, khách sạn, trường học và bãi biển trên địa bàn tỉnh Phú Yên, kết quả cho thấy, lượng rác thải hữu cơ chiếm đa số (của người dân chiếm 80,72% trong tổng lượng rác thải sinh hoạt phát thải hàng ngày, nhà hàng khách sạn từ trên 60% đến gần 84%, trường học gần 82%...); sau đó đến rác thải tái chế và cuối cùng là rác thải nguy hại.
Việc phân loại rác thải làm căn cứ đưa ra các giải pháp xử lý rác, như phần rác thải hữu cơ có thể tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu ủ phân hữu cơ hoặc sản xuất nước tẩy rửa sinh học. Đối với rác thải có thể tái chế như nhựa PET, PP, HDPE… chủ yếu có ở các chai, lọ đựng hóa mỹ phẩm, nước uống… có thể sử dụng trở lại vào mục đích khác.
Rác thải không thể tái chế như hộp xốp, túi ni lông, bao bì sản phẩm, ống hút nhựa… thì hạn chế sử dụng và thay thế bằng các sản phẩm tương đương làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.
TS VŨ VIỆT DŨNG, CÁN BỘ TRUNG TÂM NHIỆT ĐỚI VIỆT - NGA (BỘ QUỐC PHÒNG): Tăng cường quản lý và bảo tồn hệ sinh thái san hô, cỏ biển
Sau một thời gian nghiên cứu về san hô và hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển khu vực ven bờ và đảo của Phú Yên, trong đó tập trung ở khu vực Hòn Yến (xã An Hòa, huyện Tuy An), cho thấy hệ sinh thái vùng biển Phú Yên có giá trị kinh tế, xã hội, khoa học cao, là nguồn tư liệu quý, không những cung cấp cơ sở dữ liệu về sinh học, sinh thái, môi trường sinh vật, phi sinh vật mà còn góp phần tích cực trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo tồn hệ sinh thái biển nói chung.
Tuy nhiên, do sự biến đổi của các yếu tố tự nhiên, đặc biệt là biến đổi khí hậu, mực nước biển, các quá trình tự nhiên cực đoan cùng các hoạt động phát triển của con người đã và đang tác động mạnh mẽ đến hệ sinh thái san hô của Phú Yên, ảnh hưởng không nhỏ tới sự tồn tại và phát triển của chúng.
Để bảo vệ nguồn tài nguyên san hô, cỏ biển của tỉnh, trước mắt phải dọn dẹp vệ sinh môi trường ven bờ và đáy biển, thu gom các loại rác thải, đặc biệt là rác thải nguy hại như pin, bóng đèn… ở khu vực trên bờ và trong các vũng tích tụ dưới đáy biển bao trùm lên san hô và cỏ biển; giới hạn lượng người vào khu vực có phân bố san hô, cỏ biển, không tổ chức du khách lội trực tiếp xuống nền san hô, cỏ biển; hạn chế tối đa tổ chức lặn biển, bơi chèo tiếp xúc trực tiếp mái chèo lên san hô, nhất là những nơi phân bố san hô dạng tấm.
Tuyên truyền cho các chủ nhà hàng, khách sạn về giá trị của việc bảo vệ san hô, cỏ biển và kêu gọi cộng đồng tham gia quản lý, bảo tồn theo hướng phát triển kinh tế cộng đồng gắn với du lịch sinh thái cho người dân địa phương; không thực hiện các biện pháp nạo vét xây dựng cầu tàu ở khu vực có san hô và cỏ biển…
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương khẳng định: Phú Yên bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển nhanh nên vấn đề bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Tỉnh Phú Yên không ngừng xây dựng dữ liệu, tham khảo các giải pháp khoa học để giải quyết tốt những vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước… hướng tới xây dựng một Phú Yên hiền hòa, giàu có, xanh sạch và là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
MINH DUYÊN (thực hiện)