Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp
Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển nông nghiệp bền vững.
Người dân xã Bắc Phong (Cao Phong) sử dụng phân bón hữu cơ trong chăm sóc cây cam để cải tạo đất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã có những bước phát triển nhanh, nhiều sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu trên thị trường. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất vẫn tồn tại ở một số khu vực nông thôn trong tỉnh. Trong đó, có thời điểm tình trạng lạm dụng thuốc diệt cỏ phổ biến, gây ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Tháng 4/2018, chúng tôi về phản ánh tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại xã Hào Lý (nay sáp nhập thành xã Tú Lý) của huyện Đà Bắc. Thời điểm đó, bà con mong ngóng nước sạch suốt thời gian dài khi công trình cấp nước sạch chưa được bàn giao. Đáng nói, trong thời gian chờ bàn giao, các hộ dân lấy nguồn nước từ các mó, suối và giếng khoan để sử dụng sinh hoạt với tâm lý đầy lo âu. Chính họ thừa nhận rằng, do nhiều năm sử dụng thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu trong trồng trọt nên nguy cơ cao nguồn nước đã bị ô nhiễm. Vì vậy, bà con rất mong có nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung để sử dụng nhằm đảm bảo sức khỏe.
Tìm hiểu về những trăn trở đối với vấn đề nước sạch ở xã Phú Cường (Tân Lạc), chúng tôi cũng được người dân chia sẻ về nỗi lo lắng đối với nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm mà họ sử dụng. Nguyên nhân gây ô nhiễm được đánh giá do việc sử dụng nhiều thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp (SXNN), nhất là thuốc diệt cỏ. Trước những trăn trở của người dân, tháng 10/2019, ngành chức năng của tỉnh đã lấy mẫu nước trên địa bàn xã Phú Cường để kiểm tra chất lượng. Kết quả, có những chỉ số vượt mức cho phép theo quy chuẩn, nếu tiếp tục sử dụng có thể gây ra một số loại bệnh nguy hiểm.
Có thể thấy, ô nhiễm môi trường nước do SXNN gây ra là vấn đề đáng lưu tâm ở các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Ngoài những khó khăn, bất cập đã có những địa phương có cách làm hiệu quả về công tác BVMT trong SXNN. Như ở các xã vùng cao của huyện Tân Lạc hơn chục năm qua, cấp ủy, chính quyền và người dân đồng thuận cao trong việc loại bỏ thuốc diệt cỏ trong SXNN. Để làm được điều này, các thôn, xóm đã ký kết quy ước, hương ước về không sử dụng thuốc diệt cỏ, ban hành quy định về xử lý đối với trường hợp vi phạm. Nhờ đó, suốt hơn chục năm qua, SXNN ở vùng cao đã được định hướng "hữu cơ” với các sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe của con người.
Đồng chí Đinh Văn Lừng, nguyên Chủ tịch UBND xã Nam Sơn (cũ), nay sáp nhập là xã Vân Sơn (Tân Lạc) nhớ lại những ngày hương ước về chấm dứt sử dụng thuốc diệt cỏ chưa ra đời: Thời điểm đó chưa phổ biến máy phát cỏ nên muốn tăng diện tích gieo trồng, tăng sản lượng bà con sử dụng thuốc diệt cỏ. Tuy nhiên, qua các nguồn thông tin, chúng tôi được biết ở một số tỉnh khu vực Tây Nguyên đã có nhiều người dân bị mắc bệnh do ảnh hưởng của thuốc diệt cỏ. Đối với xã Nam Sơn (cũ), do địa hình chủ yếu đồi núi nên khi có mưa, nước chảy xuống làm ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt. Do đó, UBND xã đã tuyên truyền bà con không nên sử dụng nữa. Bà con hưởng ứng và đưa vào hương ước, quy ước của các xóm. Khoảng 10 năm trở lại đây, trên địa bàn không còn sử dụng thuốc diệt cỏ. Với sự hỗ trợ của máy phát cỏ, năng suất lao động được tăng cao, sản xuất vừa an toàn cho sức khỏe, vừa tạo ra sản phẩm cam, quýt sạch phục vụ khách hàng.
Bên cạnh ngành trồng trọt, vấn đề đảm bảo môi trường trong chăn nuôi cũng còn tồn tại nhiều bất cập. Đồng chí Nguyễn Phương Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cho biết: Hiện nay, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm trên 70%, nhưng vấn đề xử lý chất thải từ chăn nuôi ở khu vực nông thôn chưa được chú trọng. Nhiều hộ dân vẫn xây dựng chuồng trại trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Đây là nguyên nhân khiến dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, gây thiệt hại cho người chăn nuôi cũng như ô nhiễm môi trường.
Trong báo cáo hiện trạng nông nghiệp nông thôn tỉnh năm 2016 cũng chỉ ra, phát triển sản xuất chưa quan tâm đến công tác BVMT là một trong những vấn đề bức xúc ở môi trường nông thôn. Đồng thời nêu ra các giải pháp cho vấn đề này, như: Tăng cường công tác quản lý, giám sát thực hiện quy hoạch để đảm bảo phát triển ngành có định hướng, bền vững, phát triển sản xuất đi đôi với đầu tư BVMT; có cơ chế, chính sách thực hiện xử lý vỏ bao gói thuốc BVTV, phân bón sau sử dụng; hỗ trợ cho các vùng sản xuất trồng trọt tập trung mô hình thu gom vỏ, bao gói thuốc BVMT sau sử dụng. Tăng cường năng lực trong hướng dẫn, quản lý, kiểm soát chất lượng và tiêu thụ sản phẩm trong SXNN, nhằm giảm thiểu các nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các hoạt động nêu trên.