Bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững

Xác định bảo vệ môi trường (BVMT) là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững, Vĩnh Phúc đã quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học; huy động các nguồn lực và sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng trong công tác BVMT.

Đồng bộ các giải pháp

Sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu quan trọng, kinh tế tăng trưởng khá, thu ngân sách nhà nước liên tục nằm trong tốp những địa phương dẫn đầu cả nước, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện…

Nhà máy xử lý nước thải với công suất 5.000 m3/ngày, đêm được đưa vào vận hành, góp phần giải quyết bài toán nước thải khu vực phía Đông của thành phố Vĩnh Yên. Ảnh: Trà Hương

Nhà máy xử lý nước thải với công suất 5.000 m3/ngày, đêm được đưa vào vận hành, góp phần giải quyết bài toán nước thải khu vực phía Đông của thành phố Vĩnh Yên. Ảnh: Trà Hương

Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cũng như phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới đã đặt ra cho tỉnh nhiều thách thức trong công tác BVMT.

Để nâng cao hiệu quả công tác BVMT, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý, thu gom và xử lý chất thải; xử lý ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường; bảo vệ đa dạng sinh học; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

Nhằm hỗ trợ các địa phương trong công tác BVMT, trong năm 2021, ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 756 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn lực tài chính cho hoạt động BVMT còn được lồng ghép vào nguồn đầu tư phát triển và các nguồn vốn ODA để bố trí cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội, các dự án đầu tư hạ tầng khác trong đó có hạng mục BVMT.

Bộ máy quản lý nhà nước về môi trường các cấp được kiện toàn và từng bước nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Công tác thanh, kiểm tra được các cấp, ngành chức năng tăng cường, kịp thời ngăn chặn, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng triển khai đa dạng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về BVMT. Nhờ đó, nhận thức và sự tham gia của nhân dân về BVMT đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Nhiều phong trào, các mô hình điển hình về BVMT đã được triển khai, góp phần quan trọng vào công tác BVMT tại các địa phương.

Hiện nay, hệ thống thu gom, mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải đã được hình thành, bao phủ hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt 95%, khu vực nông thôn đạt 75%.

Để nâng cao hiệu quả xử lý nước thải, tỉnh đã đầu tư và bàn giao hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt giai đoạn I cho thành phố Vĩnh Yên với công suất 5.000 m3/ngày, đêm và đang tiếp tục triển khai giai đoạn II. Đối với khu vực nông thôn, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ hơn 617 tỷ đồng cho các xã, thị trấn để cải tạo, xây mới rãnh thoát nước thải.

Đồng thời, triển khai đầu tư 14 công trình xử lý nước thải khu dân cư tập trung để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nước mặt nghiêm trọng tại một số xã thuộc lưu vực sông Phan, sông Cà Lồ với tổng kinh phí đầu tư 61 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh đang tiếp tục triển khai các dự án đầu tư, khắc phục, xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và tăng cường năng lực quan trắc môi trường lưu vực sông Phan, sông Cà Lồ với nhiều dự án như đầu tư mở rộng nâng công suất nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt phía Nam thành phố Vĩnh Yên, đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt phía Tây thành phố Vĩnh Yên và hệ thống thu gom đấu nối nước thải cấp 2, cấp 3 để dẫn nước thải về các nhà máy xử lý; hoàn thành giai đoạn I dự án nạo vét khơi thông dòng chảy sông Phan đoạn từ cầu Vàng đến cầu Thượng Lạp với kinh phí gần 170 tỷ đồng…

Công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được chú trọng triển khai thông qua việc xây dựng các đề án, quy hoạch phát triển rừng, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt 25%.

Hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều việc phải làm để BVMT bền vững. Thực tế, dù tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã tăng qua các năm nhưng rác thải chủ yếu vẫn được xử lý bằng phương pháp thủ công, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường; việc triển khai dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt còn chậm.

Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn còn thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm nguồn đất, nước; tình trạng ô nhiễm bụi do các hoạt động xây dựng còn phổ biến; chất lượng nước mặt đã có xu hướng được cải thiện trong những năm gần đây nhưng do ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số dẫn đến ở một số nơi ô nhiễm cục bộ…

Trao đổi về các giải pháp BVMT gắn với phát triển kinh tế-xã hội bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phan Mạnh Cường, Phó Trưởng Phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Thời gian tới, Sở Tài Nguyên và Môi trường sẽ chủ động tham mưu UBND, HĐND tỉnh ban hành các các cơ chế, chính sách, quy định về BVMT.

Đồng thời, phối hợp với các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nêu gương các điển hình tiên tiến về BVMT để người dân dần thay đổi thói quen trong việc thu gom, phân loại rác thải. Nâng cao năng lực hệ thống quan trắc và cảnh báo ô nhiễm môi trường tự động trên địa bàn tỉnh với mục tiêu theo dõi chất lượng môi trường, kịp thời cảnh báo khi có dấu hiệu ô nhiễm.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, đặc biệt là hoạt động xả thải trái phép. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, từng bước đóng cửa, phục hồi môi trường đối với các bãi rác thải tập trung cũ…”.

Lê Mơ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/78536/bao-ve-moi-truong-vi-su-phat-trien-ben-vung.html