Nhiều người vẫn chưa hiểu vì sao phải phân loại rác thải tại nguồn, và đây là lý do
Phân loại rác thải tại nguồn không chỉ là lời giải cho bài toán về bảo vệ môi trường, mà còn hình thành nên thói quen tốt để xây dựng một Trái đất phát triển bền vững.
Theo thống kê, trung bình mỗi người thải ra 0,74kg rác mỗi ngày và toàn thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác mỗi năm. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu hiện tại. Con số này ước tính có thể tăng gấp bội đến năm 2100 nếu dân số toàn cầu vẫn tiếp tục tăng. Sự xuất hiện của những bãi rác khổng lồ, nhưng hố chôn rác lộ thiên bốc mùi không chỉ gây ra ô nhiễm cho môi trường, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của con người, động vật và hơn hết là gây biến đổi khí hậu, hủy hoại môi trường sống của thế hệ tương lai. Vì thế muốn biến rác thành tài nguyên, không tạo thêm gánh nặng cho môi trường thì việc đầu tiên và quan trọng nhất chính là phân loại rác thải tại nguồn.
Phân loại rác thải tại nguồn như thế nào cho đúng?
Theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc bắt buộc đối với mọi cá nhân và hộ gia đình. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt (hay còn gọi là rác thải) được phân ra thành các loại như sau: rác thải hữu cơ - thực phẩm, rác thải có thể tái chế, rác thải không thể tái chế.
Phân loại rác thải ở đô thị cần thực hiện theo quy trình: phân loại và lưu trữ các loại rác thành từng túi riêng, sau đó chuyển cho các đơn vị có chức năng thu gom.
Với khu vực nông thôn, rác thải cũng cần được phân loại và lưu trữ riêng. Tuy nhiên, rác thải hữu cơ được khuyến khích tái chế làm phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi. Nếu không tận dụng được, rác thải hữu cơ mới nên chuyển cho đơn vị thu gom. Các loại rác thải còn lại cũng cần được chuyển cho đơn vị có chức năng thu gom.
Tầm quan trọng việc phân thải rác thải tại nguồn
Có thể thấy được lợi ích quan trọng nhất của việc phân loại rác thải tại nguồn đó chính là giảm thiểu ô nhiễm và bớt gánh nặng lên môi trường. Được biết, những hố chôn rác vốn là nơi ô nhiễm với lượng khí thải metan cao. So với khí carbon, metan tuy chỉ tồn tại trong khí quyển khoảng 20 năm nhưng lại mạnh gấp 28 lần. Metan cũng đóng góp một phần không nhỏ vào sự nóng lên của Trái đất và biến đổi khí hậu. Vì thế, việc xử lý và tái chế rác đúng cách có thể giúp giảm lượng khí nhà kính gây ô nhiễm không khí, đồng thời giúp tiết kiệm năng lượng để xử lý rác thải. Để có thể làm tốt được công đoạn xử lý và tái chế rác đòi hỏi người dân phải phân loại rác thải ngay từ đầu.
Ngoài ra, quá trình phân loại rác thải từ nguồn còn có đem tới lợi ích lớn về tái chế và kinh tế tuần hoàn. Rác thải được phân chia làm 2 loại chính bao gồm rác hữu cơ dễ phân hủy và rác thải rắn khó phân hủy. Rác hữu cơ dễ phân hủy là rác thải từ thực phẩm hay nông nghiệp. Nhờ quy trình phân loại rác thải tại nguồn, rác hữu cơ có thể được ủ để tái chế thành phân bón hữu cơ tốt cho đất và cây trồng. Vì thế, một lượng lớn rác hữu cơ thải ra hằng ngày đã có thể tạo ra vòng kinh tế tuần hoàn mà không gây lãng phí. Trong khi đó, rác thải rắn khó phân hủy lại được phân loại tiếp thành loại tái chế và không tái chế. Những loại rác tái chế sẽ được bán cho các cơ sở tái chế, còn rác không tái chế mới đem đi xử lý.
Lợi ích quan trọng không kém của việc phân loại rác thải từ nguồn đó chính là giúp tiết kiệm chi phí về mọi mặt bao gồm thu gom, vận chuyển, đặc biệt là xử lý. Nếu chất đống rác thải thành bãi với đủ loại rác từ hữu cơ, cho tới rác thải rắn khó phân hủy sẽ khiến quy trình xử lý tiêu tốn nhiều năng lượng và chi phí hơn. Thay vào đó, rác thải được phân loại sẽ được xử lý hoặc tái chế tùy theo tính chất. Việc này cũng làm giảm lượng rác thải xử lý và đơn giản hóa quy trình, từ đó làm giảm chi phí.
Việc phân loại rác thải tại nguồn tuy chỉ là một hành động nhỏ nhưng lại có ý nghĩa vô cùng thiết thực. Nó sẽ tạo cho người dân có ý thức bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên hợp lý hơn.