Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của tờ báo
Trung tuần tháng 11 này, tại TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo 'Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng trong thời kỳ chuyển đổi số'. Với trách nhiệm của mình, Báo Ðiện Biên Phủ có tham luận với chủ đề 'Bảo vệ nền tảng tưởng của Ðảng là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Báo Ðiện Biên Phủ'.
Như đã biết, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” và đấy chính là mục đích của Hội thảo này. Từ đó, có thể nói 5 năm là “độ lùi” thời gian cần thiết để toàn xã hội nói chung và những người làm báo nói riêng, có cơ sở nhìn nhận, đánh giá về những thành công mà Nghị quyết số 35-NQ/TW mang lại, qua những “hiệu ứng” xã hội.
Có thể khẳng định, trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, thì báo chí cách mạng (báo chí chính thống) có vai trò đặc biệt quan trọng. Chính vì thế, Ðảng ta nhiều lần chỉ rõ, báo chí cách mạng phải làm tốt chức năng tuyên truyền đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước, phát hiện, biểu dương và nhân rộng ra toàn xã hội cái hay, cái đẹp, những nhân tố mới, cách làm mới. Ðồng thời, phải tích cực đấu tranh phê phán, triệt tiêu cái xấu, cái tiêu cực, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, hẹp hòi, ấu trĩ, những tâm địa hiểm sâu, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ sự đúng đắn cho nền tảng tư tưởng của Ðảng.
Ðiện Biên là địa bàn vùng sâu, biên giới, đất rộng, người thưa, phần lớn cư dân là đồng bào các dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội còn ít nhiều hạn chế. Chính vì vậy mà trong những năm qua, lợi dụng vào những khó khăn tạm thời ở vùng này vùng khác, lúc nọ lúc kia, các thế lực thù địch không ngừng tuyên truyền những nội dung tiêu cực, bóp méo, thậm chí vu khống, bịa đặt nhằm làm giảm uy tín của các cơ quan Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ngành các cấp, các lực lượng chức năng... và nhất là nhằm gây chia rẽ, cục bộ địa phương, kích động hận thù dân tộc...
Là cơ quan truyền thông của Ðảng, Báo Ðiện Biên Phủ lĩnh hội nghiêm sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Ðiện Biên với tinh thần thực hiện hiệu quả, sáng tạo Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị. Năm năm qua, Báo Ðiện Biên Phủ đã có những đóng góp thiết thực trong việc tuyên truyền đường lối của Ðảng, chính sách của Nhà nước. Ban Biên tập phân công những phóng viên có kinh nghiệm viết chính luận thực hiện những bài mang nội dung phân tích, kiến giải, làm sáng tỏ những giá trị bền vững, đúng đắn, khách quan và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường tất yếu đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Với địa bàn vùng sâu, biên giới, báo chủ trương viết những bài ngắn, thông tin đơn giản, cách đặt vấn đề cũng hết sức tự nhiên, giản dị để phù hợp với mặt bằng nhận thức chung của bà con dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, thông qua tờ Báo Ðiện Biên Phủ dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao, để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Ðảng và Chính phủ về kinh tế - văn hóa - xã hội dành cho miền núi nói chung, cho bà con các dân tộc thiểu số Ðiện Biên nói riêng. Mặt khác, Báo Ðiện Biên Phủ cũng nỗ lực, chủ động thông tin những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước; phản ánh chân thực và sinh động thực tiễn đời sống xã hội; quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Những bài viết, nội dung đó góp phần nâng cao dân trí và thực hiện tốt chức năng định hướng văn hóa, định hướng tư tưởng, nhận thức chung cho người đọc; trước những thông tin không chính thống bằng cách này hay cách khác len lỏi vào đời sống xã hội, tác động không tốt tới tình cảm và nhận thức chung của nhân dân.
Trong những năm qua, nhiều lượt phóng viên Báo Ðiện Biên Phủ được giải trong các cuộc thi “Búa Liềm Vàng”, Giải Báo chí toàn quốc; giải Báo chí tỉnh về đề tài xây dựng Ðảng; đưa Nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống... Ðó không chỉ là sự động viên mà cao hơn thế là sự ghi nhận và khẳng định tầm mức cũng như những đóng góp của một cơ quan báo chí vẫn được xem là “tỉnh lẻ”, vùng dân trí thấp với vô vàn khó khăn đặc thù khi tác nghiệp. Rõ ràng phóng viên Báo Ðiện Biên Phủ không chỉ tham gia các cuộc thi bằng chất lượng chuyên môn của tác phẩm, mà bằng bản lĩnh, lương tâm và trách nhiệm công dân của nhà báo trước những vấn đề xã hội phức tạp.
Ðể làm tốt vai trò của mình, Báo Ðiện Biên Phủ đăng tải kịp thời, chính xác tin, bài, ảnh có nội dung phản bác lại các quan điểm chống phá Ðảng, Nhà nước của kẻ xấu trên cả 4 ấn phẩm. Gần đây, Báo Ðiên Biên Phủ chú trọng áp dụng công nghệ, chuyển đổi số báo chí, đổi mới mạnh mẽ ấn phẩm báo điện tử; khuyến khích, giao nhiệm vụ cho phóng viên, biên tập viên… viết nhiều tin bài riêng cho báo điện tử. Ban Biên tập yêu cầu phóng viên, biên tập viên… học hỏi, tìm tòi, bắt nhịp cách thức, xu thế làm báo đa phương tiện, truyền thông số để kịp thời đăng tải trên các ấn phẩm của Báo, giúp hiệu quả tuyên truyền nhanh hơn, tính lan tỏa tốt hơn. Sau khi đăng tải lên Báo Ðiện Biên Phủ điện tử, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên chia sẻ tin, bài lên các nền tảng mạng xã hội để quảng bá, phổ quát thông tin nhanh, đảm bảo tính chính thống, trung thực, khách quan. Tin, bài đăng tải trên các ấn phẩm Báo Ðiện Biên Phủ có nội dung phản bác quyết liệt, đanh thép và hiệu quả những luận điệu mập mờ đánh lận, xuyên tạc vô cùng sai trái của các thế lực thù địch, góp phần kịp thời định hướng và ổn định dư luận xã hội.
Ngoài ra, với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, Ban Biên tập chủ trương tăng lượng tin bài về những tấm gương cá nhân và tập thể nông dân điển hình trong xóa đói giảm nghèo, chấp hành tốt các chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Những tấm gương này không ở đâu xa lạ mà tại ngay những làng bản vùng sâu, biên giới, có tên tuổi, địa chỉ cụ thể và nhất là có những cống hiến, thành tích đã được chính cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương xác định và thừa nhận qua các danh hiệu thi đua. Ðiều này thỏa mãn tâm lý “nhìn tận mắt” của bà con vùng sâu, dân tộc thiểu số và lúc ấy, không gì có thể thay đổi niềm tin của họ. Hiệu quả thấy rõ là các đối tượng xấu dù có rao giảng thế nào, xuyên tạc kiểu gì và kể cả là mua chuộc bằng kinh tế cũng không thể “lung lạc” được bà con.
Báo Ðiện Biên Phủ hoạt động trong điều kiện thuận lợi đặc thù và khó khăn cũng rất đặc thù. Thuận lợi ở chỗ, môi trường báo chí miền núi, biên giới nhìn chung chưa sôi động và cũng không phức tạp như các tỉnh miền xuôi, nhất là các địa phương như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, khó khăn thì rất nhiều và là những khó khăn không dễ san bằng. Ðược biết ở miền xuôi, nhiều tờ báo bằng nguồn tài chính dồi dào đã tập hợp được các nhà khoa học, nhà lý luận, các chuyên gia có uy tín, tầm nhìn rộng, nhiệt tình tham gia các hội nghị, hội thảo hoặc viết bài phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Có những báo tổ chức rất năng động, hiệu quả các diễn đàn trực tuyến, duy trì các chuyên trang, chuyên mục... thông qua đó định hướng tư tưởng, nhận thức cho số đông bạn đọc của mình trước các quan điểm sai trái, thù địch, các thông tin một chiều và những vấn đề “nổi cộm” mà dư luận quan tâm với những cách hiểu khác nhau, mâu thuẫn nhau. Những hoạt động chuyên môn với miền xuôi là rất bình thường ấy, tuy nhiên, nhiều tờ báo miền núi, trong đó có Báo Ðiện Biên Phủ không dám nghĩ tới vì nhiều lý do. Bên cạnh lý do tài chính hạn hẹp nên không có cơ chế khuyến khích nhuận bút, là lý do cơ bản về “nguồn nhân lực” báo chí - Ðó là đội ngũ những người làm báo, cả phóng viên chuyên nghiệp trong tòa soạn cũng như các cộng tác viên tại cơ sở!
Trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, của sự phát triển mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của kỹ thuật số và không gian mạng... thì vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Ðòi hỏi mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo phải nỗ lực vượt quan khó khăn, xứng đáng là chiến sĩ kiên trung trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, ra sức bảo vệ Ðảng, Nhà nước ta ngày càng phồn vinh.