Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Hiểu một cách đơn giản, nền tảng tư tưởng của Đảng là hệ thống lý luận và là cơ sở khoa học và thực tiễn về xây dựng Đảng, về nguyên tắc hoạt động của Đảng, về định hướng phát triển của Đảng, về mục tiêu đấu tranh cách mạng của Đảng... Một đảng chính trị (chính đảng) nhất thiết phải có một nền tảng tư tưởng riêng của nó và không được tách rời nền tảng tư tưởng đó, trừ khi muốn biến nó thành một đảng hay một tổ chức khác.

Trong tác phẩm Làm gì (năm 1902), Lênin đã viết: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”. Và, một chính đảng có thể trở thành một loại hình tổ chức khác (một CLB, một hội đoàn…) nếu không có một nền tảng tư tưởng vững chắc. Riêng với Đảng Cộng sản Việt Nam, nền tảng tư tưởng của Đảng ta vừa mang tính cách mạng vừa có tính khoa học sâu sắc.

Từ ngày ra đời, Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn đất nước để đề ra cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.

Trong tác phẩm Đường kách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Chủ nghĩa Lênin theo Hồ Chí Minh chính là học thuyết cách mạng của Lênin dựa trên sự kế thừa, vận dụng và phát triển học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học do Mác và Ăngghen khởi xướng. Tính “chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất” không chỉ đúng trong hoàn cảnh của những thập niên đầu thế kỷ XX mà còn đúng với giai đoạn hiện nay.

Cũng trong Đường kách mệnh, Hồ Chí Minh đã mở đầu bằng một câu của Lênin: Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong. Người chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm nòng cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”.

Chính vì vậy, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã nhấn mạnh, Đảng ta luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn và ngày càng lớn mạnh… Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, để xây dựng và phát triển đất nước không còn con đường nào khác ngoài con đường xã hội chủ nghĩa, mà trên thực tế con đường này đã khẳng định sự thành công rõ nét, thể hiện qua các thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và thành tựu của công cuộc đổi mới. Do đó, nền tảng tư tưởng đã được Đảng xác định sẽ tiếp tục soi sáng đường đi tới cho cách mạng Việt Nam.

Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994), Đảng ta đã chỉ ra những thách thức, những nguy cơ lớn đối với sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam. Những thách thức đó là: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu; nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Không chỉ vậy, hiện nay, nhiều biểu hiện suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra khá phức tạp. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã nhận định: “Những hạn chế, khuyết điểm (...) làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.

Do đó, nhiệm vụ đầu tiên và hết sức quan trọng là phải quán triệt trong hệ thống chính trị về vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, để mọi cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng đắn về công tác này, đồng thời tránh lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Trên thực tế, theo TS Lương Ngọc Vĩnh, trong một bài viết trên Tạp chí Tuyên giáo, số tháng 2-2020, “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực tư tưởng. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, không thể bằng một vài chiến dịch, cuộc vận động mà có thể thành công. Để giành thắng lợi, đòi hỏi trước tiên là phải có nhận thức đúng mục tiêu, đối tượng, từ đó xác định đúng nội dung, phương thức đấu tranh phù hợp. Điều quan trọng nhất là phải có quyết tâm chính trị và niềm tin vào chiến thắng, không nôn nóng nhưng cũng không chủ quan, tuyệt đối không để xảy ra “bệnh thành tích” và “bệnh hình thức” trong quá trình thực hiện”.

Cuộc đấu tranh này là nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ các thành quả của Đảng, bảo vệ con đường đấu tranh cách mạng của Đảng, nhằm đem lại lợi ích của tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần thúc đẩy tiến trình cách mạng của thế giới. Do đó, không thể xem đây là công việc của các cơ quan chuyên trách (chẳng hạn, Hội đồng Lý luận Trung ương, các ban tuyên giáo cấp ủy…), của cấp ủy, của các cơ quan truyền thông… mà phải là trách nhiệm, nghĩa vụ của tất cả các cán bộ, đảng viên.

N.M.H

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/202012/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-3033739/