Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ trọng yếu, có ý nghĩa sống còn
Hôm nay (7/1), Bộ Công an phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương đồng tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia 'Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trong tình hình mới'.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tham dự và chỉ đạo Hội thảo. Đồng chủ trì Hội thảo có GS.TS Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo 35 Trung ương...
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ trọng yếu, có ý nghĩa sống còn trong bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35 và Ban Bí thư đã ban hành Kế hoạch số 14-KH/TW, ngày 25/3/2019 về thực hiện Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị".
Thường trực Ban Bí Thư cũng chỉ rõ: Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng càng tăng cường các hoạt động chống phá với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nhằm gieo rắc hoang mang, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Vì vậy, việc nhận diện đúng các quan điểm sai trái, thù địch, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, phương hướng và giải pháp trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Tại Hội thảo, đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị các tham luận, ý kiến phát biểu cần tập trung làm sáng tỏ các vấn đề lý luận và thực tiễn trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, làm cơ sở tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đánh giá cao, khẳng định các tham luận và các ý kiến tại hội thảo được các tác giả nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đảm bảo tính khoa học.
Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, tuy cách tiếp cận của từng tham luận khác nhau, nhưng tựu chung đã phân tích, luận giải làm nổi bật chủ đề hội thảo, khẳng định nền tảng tư tưởng, vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời chỉ rõ những âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, phản động.
Sau khi nghe các tham luận, ý kiến, Hội thảo thống nhất cho rằng, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước; phát huy vai trò tham mưu, điều phối, hướng dẫn của Thường trực Ban Chỉ đạo 35 các cấp trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị gắn với việc tổ chức thực hiện Kết luận số 53 của Ban Bí thư, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và quần chúng nhân dân tự giác tham gia đấu tranh trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Theo đó, cần chủ động nhận diện, làm rõ các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng trong tình hình hiện nay. Phải kết hợp và gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó xác định lấy yếu tố “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, chặt chẽ, không khoan nhượng.
Cùng với đấu tranh, cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị phải nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý tư tưởng, chủ động, kịp thời cung cấp các thông tin chính thống để định hướng dư luận; bồi dưỡng, nâng cao khả năng tự phòng chống cho mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trước các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị .
Cùng với đó, phải củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và sử dụng Internet, mạng xã hội. Chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các giải pháp kỹ thuật phù hợp.
Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ, ngăn chặn, xử lý đúng pháp luật đối với nhà mạng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trang thông tin điện tử và các cá nhân lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá trên Internet, mạng xã hội.
Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ, đầu tư phương tiện, công nghệ cho các lực lượng chuyên trách trong công tác đấu tranh, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn của các lực lượng thù địch, phản động. Xây dựng các cấp ủy, tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, các cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.