Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - Phải xuất phát từ trái tim
Tối 23-10-2022, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ trao giải thưởng Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ II - năm 2022, do Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức. Bài dự thi Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - Phải xuất phát từ trái tim (trên 6.000 từ) của tác giả Văn Thị Thùy Trang, Chuyên viên Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang đã được trao giải C. Tác giả đã rút gọn bài dự thi của mình gửi đăng Báo Ấp Bắc. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Xây dựng được niềm tin của nhân dân đã khó, bảo vệ và củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước cũng chưa bao giờ là việc dễ dàng. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải khởi nguồn từ trái tim, tinh thần và trách nhiệm của mỗi đảng viên.
Trong giai đoạn hiện nay, hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, các tệ nạn tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, vô cảm trước nhân dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các đảng viên giữ chức vụ quan trọng trong Đảng, Nhà nước đã và đang dần dần làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước.
Chính vì vậy, việc “bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước” trở thành nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được chỉ rõ trong Nghị quyết 35, ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần phải có sự nỗ lực, đồng lòng nâng cao tinh thần trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; cần sự nghiên cứu thấu đáo từ khâu xây dựng chủ trương, đường lối đúng đắn, ban hành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội, xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế, triển khai và tổ chức thực thi thống nhất từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, trách nhiệm hàng đầu được đặt lên đôi vai của mỗi đảng viên, trách nhiệm đồng hành cùng Đảng, cùng Nhà nước bảo vệ nền tảng tư tưởng, của Đảng, bảo vệ chế độ XHCN.
Mỗi cán bộ, đảng viên càng phải tỉnh táo, không ngừng học tập, bồi dưỡng về lý luận chính trị, đấu tranh chống cái ác, cái xấu, rèn luyện bền bỉ hằng ngày để giữ gìn cái tâm trong sáng, giữ gìn danh dự, đạo đức, phẩm giá của người đảng viên, đấu tranh để vượt qua những cám dỗ của “chủ nghĩa cá nhân”. Đảng viên có chức vụ càng cao càng phải không ngừng nêu gương, kiên định mục tiêu, trung thành với lý tưởng của Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Khi gặp khó khăn, gian khổ vẫn kiên trì, không lùi bước, khi gặp thuận lợi vẫn giữ đức tính khiêm tốn, không tự đắc, không tự mãn, không xem thường người khác, không xa rời quần chúng nhân dân.
Người đảng viên có tâm trong sáng sẽ “dám nghĩ”, “dám làm”, “dám chịu trách nhiệm” vì mục tiêu chung, vì lý tưởng của Đảng, vì lợi ích của nhân dân. Phải biết đặt lợi ích của dân tộc, của giai cấp lên trên lợi ích cá nhân, vững vàng trước mọi khó khăn, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết.
Chúng ta đều biết rằng “nhân vô thập toàn”, đảng viên cũng là con người bình thường nên cũng sẽ khó tránh khỏi những thiếu sót, sai lầm. Tuy nhiên, khi phát hiện bản thân có sai lầm, thiếu sót phải kịp thời sửa chữa, khắc phục, thành khẩn tự phê bình, nhận khuyết điểm, chịu trách nhiệm với sai sót đó. Đảng ta không thể thành công nếu không có những đảng viên mạnh mẽ, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm hết khả năng, hết trách nhiệm đối với nhân dân, cộng đồng, xã hội. Đặc biệt, nếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo không có tầm nhìn xa, trông rộng, bản lĩnh, quyết đoán mạnh mẽ thì làm sao có thể tìm ra con đường đi mới, giải pháp tích cực, sáng tạo để mở ra tương lai phát triển lớn mạnh, bền vững cho địa phương, cho đất nước?
Hiện nay, tâm lý an phận thủ thường, đùn đẩy trách nhiệm vẫn đang diễn ra và tồn tại trong hoạt động ngày thường của không ít cơ quan, tổ chức. Một số cán bộ, công chức, viên chức làm việc cho có lệ để đến tháng lãnh lương, có hiện tượng “chân ngoài dài hơn chân trong”, nhiều công việc quan trọng của Nhà nước, của nhân dân bị chậm trễ, kéo dài, những bức xúc của nhân dân được hứa hẹn “sẽ nhanh chóng giải quyết” nhưng cấp xã thì chuyển lên cấp huyện, cấp huyện báo cáo lên cấp tỉnh, cấp tỉnh kính chuyển lên Trung ương, rồi nhiều việc khó khăn, phức tạp được chuyển từ nhiệm kỳ của lãnh đạo này đến lãnh đạo khác.
Thậm chí, có những cán bộ, đảng viên bị “phai nhạt về lý tưởng”, “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, “nói không đi đôi với làm”, “nói một đằng làm một nẻo”, chẳng những không làm đúng, không làm hết trách nhiệm, mà còn chỉ đạo hoặc thực hiện những việc làm sai trái để có lợi nhất cho bản thân, gia đình mà không quan tâm đến nguyện vọng của quần chúng, vô cảm trước khó khăn, bức thiết của nhân dân.
Thời gian gần đây, Đảng đẩy mạnh “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “nâng cao đạo đức cách mạng”, những “con sâu, con bọ” hút máu quần chúng nhân dân đã bị điều tra, truy tố, xét xử, “không có vùng cấm, không có vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, không có hạ cánh an toàn”, mọi đảng viên đều bình đẳng khi xử lý kỷ luật và làm nghiêm từ trên xuống. Đảng ta chấp nhận bị ảnh hưởng uy tín để thẳng tay loại bỏ những nhân tố xấu, những mầm bệnh “phai nhạt lý tưởng”, “suy thoái về phẩm chất đạo đức” để dần dần làm trong sạch hóa đội ngũ lãnh đạo, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết liệt trong chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, qua đó phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm của đảng viên, đặc biệt là đưa ra ánh sáng các vụ việc nổi cộm, bức xúc được đông đảo quần chúng nhân dân, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Điển hình như vụ nâng khống giá Kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á, vụ chuyến bay “giải cứu” liên quan đến Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), vụ FLC, Tân Hoàng Minh... Qua đó, xử lý kỷ luật khai trừ khỏi Đảng đối với những đảng viên tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, để sau đó điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.
Trong giai đoạn hiện nay, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố lòng tin của nhân dân, mỗi đảng viên tùy vào vị trí, vai trò của bản thân phải không ngừng học hỏi, rèn luyện, tu dưỡng về đạo đức, lối sống, giữ vững bản lĩnh chính trị, trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng, là tấm gương sáng về đạo đức, tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân. Đảng viên là người giữ vai trò lãnh đạo, đảng viên là công chức, viên chức nhà nước phải công tâm, khách quan, giải quyết công việc bằng lương tâm trong sáng, giữ vững và sử dụng một cách hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền lực mà Nhà nước đã tin tưởng giao phó cho mình, xứng đáng với sự kỳ vọng, tin tưởng của nhân dân.
Đảng viên phải phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, thường xuyên nghiên cứu, học hỏi để nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, nắm vững, nắm chắc chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước để thực hiện đúng và nêu gương, vận động quần chúng nhân dân noi theo, bởi “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Tùy vào vị trí, vai trò của mình, mỗi đảng viên hãy nỗ lực phát huy làm tô đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, những “chiến sĩ Công an nhân dân”, những “thiên thần áo trắng”, những cán bộ, công chức tận tụy, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, đi đầu, xung kích trên mọi mặt trận, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà phục vụ trên tinh thần “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”, “việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, phải luôn gần dân, học hỏi dân, trọng dân, quan tâm và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của cá nhân, tổ chức, được nhân dân quý yêu, tin tưởng.