Bảo vệ người bị bạo lực gia đình là đương nhiên, không cần lấy ý kiến từ nạn nhân
Có thể thấy, phần lớn những người bị bạo lực gia đình đều cam chịu với những trận đòn roi thừa sống thiếu chết mà không lên tiếng. Và để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nạn nhân bị bạo lực gia đình, cần có những quy định chi tiết và cụ thể trong dự thảo luật phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi.
Quy định tại khoản 2, Điều 11 của dự thảo luật, người bị bạo lực phải cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan có thẩm quyền. Theo đại biểu, quy định này là không phù hợp và gây khó khăn cho nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Bà NGUYỄN THANH CẦM - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang: “Quyết định chưa nói rõ là trong trường nào thì người bị bạo lực cung cấp thông đầy đủ, trung thực và nó không phù hợp với những trường hợp bạo lực gia đình không do người bị bạo lực tố cáo mà do người khác báo tin, người trong cuộc không nói ra, vì e ngại, tố cáo đối với người thân trong gia đình của mình.”
Theo một số đại biểu, đối với lệnh cấm tiếp xúc, nạn nhân phải có đơn yêu cầu và có quyền lựa chọn nơi ở là chưa đảm bảo quyền lợi cho nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Ông NGUYỄN HOÀNG MAI - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang: “Việt Nam có hai điểm yếu, thứ nhất là nạn nhân đề nghị mới ra lệnh, thứ hai là khi thực hiện lệnh này, nạn nhân phải ra đi. Ở các nước, người gây bạo lực đi đâu là chuyện của anh chị, nhưng ở đây, người gây ra tội lại ung dung ở nhà, thực chất khuyến khích người ta gây bạo lực và khiến lệnh cấm tiếp xúc không có hiệu quả.”
Bà NGUYỄN THỊ NHƯ Ý - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: “Quy định như vậy đã vô tình hạn chế người bị bạo lực nhưng lại mở cho người bạo lực có quyền được ở nhà. Cái này cần xem lại, chúng ta nghĩ là mở nhưng thực ra là đóng, người bị bạo lực gia đình được chọn 1 trong 2 nhưng người gây ra lại được ở nhà.”
Cũng liên quan đến nội dung này, một số đại biểu boăn khoăn, việc cấm tiếp xúc trong phạm vi 50m là không khả thi, cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Ông NGUYỄN CÔNG LONG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: “Biện pháp cấm tiếp xúc trong phạm vi 50m tính khả thi ở đâu, biện pháp này áp dụng với hành vi nào đó như tấn công, hành hung, gây tổn hại sức khỏe… còn với hành vi bạo lực thì 50m hay 500m không có ý nghĩa gì cả.”
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi “lấy người bị bạo lực là trung tâm”. Vì vậy, các đại biểu cho rằng, biện pháp bảo vệ người bị bạo lực là đương nhiên và không cần phải lấy ý kiến từ nạn nhân.
Ông ĐỖ ĐỨC DUY - Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái: “Nếu người bị bạo hành là trung tâm thì họ có quyền được bảo vệ mà không cần phải đưa ra ý kiến, cần thiết kế để người bị bạo hành được bảo vệ tốt nhất, kể cả chỗ ở, song luật sửa đổi lại không quy định…”.
Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam