Bảo vệ người dám nghĩ dám làm - chuyện xưa và việc nay

Người biết lo trước mọi người, người dám làm điều có lợi cho việc chung là người tiên phong thời nào cũng cần, cũng được xã hội coi trọng. Tổng kết từ lịch sử và thực tiễn ngày nay, chúng ta yêu cầu người cán bộ đầy đủ hơn với phẩm chất dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Với những người đảm nhiệm trọng trách đòi hỏi phẩm chất đó càng cao. Không chỉ vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu toàn diện, sâu sắc là vừa xây dựng, bồi dưỡng, vừa bảo vệ những con người tiên phong đó.

Nhìn lại quá trình lịch sử, không thời nào không có những bài học tích cực về trọng dụng và bảo vệ người hiền tài. Câu chuyện về các vua Trần đối xử với tướng tài Trần Khánh Dư là một ví dụ. Người đọc sử đều hiểu không ngẫu nhiên người bán than mặc áo ngắn, đội nón lá Trần Khánh Dư tìm đến Hội nghị Bình Than nơi quan tướng nhà Trần họp bàn kế hoạch đánh giặc Nguyên Mông trong lần thứ hai chúng đến xâm lược nước ta. Trước đó Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư vì mắc tội tằng tịu với công chúa Thiên Thụy-con dâu Trần Quốc Tuấn mà bị vua cha Trần Thánh Tông trừng phạt, sai đưa ra Hồ Tây đánh chết. Tuy nhiên vì thương quý Trần Khánh Dư, người thiên tử nghĩa nam “con nuôi vua” nên nhà vua lại dặn không đánh đau quá để không đến nỗi chết. Song để nghiêm lệnh triều đình, nhà vua đã ra lệnh đoạt hết quan tước, tịch thu tất cả tài sản và cho Trần Khánh Dư về đất Chí Linh làm dân thường. Nhận biết chí khí đánh giặc cứu nước của ông, vua Trần Nhân Tông đã cho ông ngồi dự hội nghị, sau đó phong chức phó tướng quân rồi được giao cho trấn giữ vùng Đông Bắc. Tại đây, khi vùng đảo Vân Đồn tấp nập thuyền bè của người phương Bắc đến buôn bán, trong đó có nhiều người nghi là thám tử của nhà Nguyên. Trần Khánh Dư đã lệnh cho toàn bộ người dân sở tại đều phải đội nón Ma Lôi để phân biệt với mọi loại khách. Sự việc này được người dân lúc đó và người chép sử sau này cho rằng “Trần Khánh Dư là người tham bỉ” lợi dụng bán nón để kiếm lời. Song nhìn từ góc khác đó đúng là một kế cảnh giác phòng xa, phù hợp của vị tướng biên ải. Sử không chép về thái độ của vua Trần và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn phải chăng vì các vị đều tán đồng với cách làm của ông.

Nhưng một lần nữa, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba, Trần Khánh Dư lại mắc tội. Lần này là để thua trận, không chặn được đoàn thuyền chiến của giặc tiến vào vùng biển Đông Bắc. Ông bị thượng hoàng sai trung sứ xiềng giải về kinh. Ông nói với vị trung sứ: “Lấy quân pháp mà trị, tôi cam chịu tội. Nhưng xin khất 2-3 ngày để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn”. Quả đúng như vậy, Trần Khánh Dư đã tập trung quân đánh chiếm thu và đốt sạch đoàn thuyền chở 70 vạn thạch lương do tướng giặc Trương Văn Hổ chỉ huy. Thực tế là mưu lược của ông đã thành công lớn, quân giặc thiếu lương ăn buộc phải tính kế rút về nước để rồi trận Bạch Đằng năm 1288 đã là đòn quyết chiến chiến lược đánh bại ý chí xâm lược Đại Việt của đế quốc Mông Nguyên.

Ứng xử của các vị vua và các vương tướng nhà Trần với Trần Khánh Dư cho thấy sự khoan dung, trọng dụng và bảo vệ nhân tài một thời dù đã đề cao pháp quyền nhưng vẫn lấy quyền vua là tối thượng. Khi nhà vua anh minh, dụng nhân trị người có tài mà mắc tội thì có thể lấy công chuộc tội. Những triều đại phong kiến Việt Nam sau này khi thịnh trị cũng để lại rất nhiều câu chuyện về dùng và bảo vệ người tài. Truyền thống nhân văn nhân nghĩa ấy được kế tục, phát triển trong thời hiện đại của chúng ta. Có công tuyên thưởng công, có tội trị tội, công tội phân minh.

Trong những năm tháng này, khi cuộc chiến chống tham nhũng lãng phí đang được toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện nghiêm minh, kiên quyết thì những bản án nghiêm khắc đã được ban ra, đồng thời cũng có rất nhiều trường hợp được xem xét cân nhắc xử lý một cách nhân văn. Sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền, tổ chức bộ máy nhà nước và cuộc sống nhân dân theo kỷ cương, luật pháp ngày càng được và phải theo hướng thượng tôn pháp luật thì việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cần được nhìn nhận toàn diện theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nghĩa là, việc bảo vệ đó dù được khoan dung cũng phải được luật hóa đối với các góc độ và mức độ của những sai lầm, khuyết điểm, vi phạm.

Thực tế hiện nay, những thói tật an phận thủ thường, né tránh việc khó, né tránh đấu tranh cùng thứ “virus trì trệ” còn tồn tại nặng nề thì việc ủng hộ, khích lệ và bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm càng cần thiết. Khi còn những người đắn đo suy tính “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” thì phẩm chất “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” càng cần được xây đắp để trở thành nhân tố hằng xuyên và ưu thắng trong mọi hoạt động của đất nước và cuộc sống xã hội.

SA MUỘN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/bao-ve-nguoi-dam-nghi-dam-lam-chuyen-xua-va-viec-nay-653884