Bảo vệ người già và trẻ em trước vấn nạn bạo hành
Hiện nay bạo lực gia đình đang có dấu hiệu gia tăng với nhiều hình thức đa dạng, phức tạp. Có thể nói bạo lực gia đình là vấn nạn gây nhức nhối cho xã hội, để lại những hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với người già và trẻ em.
Những con số đáng báo động
Một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu gia đình và giới tiến hành về người 60 tuổi trở lên ở 3 tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên và Quảng Trị cho những kết quả đáng lưu tâm: 3% số người cao tuổi được hỏi nói rằng họ có bị con cái đánh; 8,3% bị dọa nhốt trong nhà và 15% bị con cái bỏ rơi, không chăm sóc.
Nhóm người già, ở cả ba nhóm 60-69 tuổi, 70-79 tuổi và 80 tuổi trở lên đều phải gánh chịu các hình thức bạo lực gia đình, do con cháu gây nên ở những mức độ khác nhau.
Năm 2022, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.711 vụ xâm hại trẻ em với 1.806 trẻ em. TAND các cấp đã thụ lý 1.934 vụ với 2.146 bị cáo phạm tội xâm hại người dưới 18 tuổi theo thủ tục sơ thẩm; giải quyết, xét xử 1.909 vụ với 2.116 bị cáo.
Các đối tượng bị ngược đãi thường là người già ở với con cái có điều kiện kinh tế khó khăn, người già neo đơn ở một mình, người già sống tại các trung tâm bảo trợ. Đối với trẻ em thường là những trẻ em bị mồ côi bố hoặc mẹ, hoặc mồ côi cả bố cả mẹ, trẻ là con riêng của những cặp vợ chồng đã từng qua một lần “đò”, trẻ em bị các đối tượng chăn dắt hay trẻ nhỏ được gửi trong các cơ sở không được cấp phép.
Thực tế xã hội cho thấy, một bộ phận lớn người già hiện nay không có lương hưu, không chuẩn bị trước tương lai già cho mình về kinh tế, cụ thể là nguồn thu nuôi sống họ hằng tháng, chi phí đảm bảo được chữa trị và chăm sóc đúng mức khi ốm đau, già yếu. Người già rơi dần vào cô thế, tủi buồn khi sống nhờ, sống phiền con cháu. Áp lực kinh tế, sự bận rộn công việc, lắm khi cả lối sống ích kỷ của con cháu đang khiến người già càng lẻ loi, yếu thế hơn trong thế giới của mình. Người già, dù có tiền của hay không, vẫn cần sự chăm sóc, bảo vệ.
Chúng ta cũng thấy, có không ít vụ bạo hành trẻ em ở trường học. Có những vụ án đã gây chấn động trước đó như vụ ở nhà trẻ Phương Anh, Mầm Xanh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh…
Ngày 5/3/2023 vừa qua, Công an huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội đã bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Lành (sinh năm 1992) và Nguyễn Thị An (sinh năm 1993, đều trú huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội) để điều tra về hành vi giết người.
Nạn nhân là cháu P.T.Đ (SN 2021, 17 tháng tuổi). Cháu Đ. bị các đối tượng ném đập đầu xuống đất, dùng tay tát vào đầu và mông và dùng chân đạp vào bụng và ngực, đá và dẫm nhiều lần vào đầu cháu bé. Kết quả khám nghiệm xác định cháu Đ. tử vong vì chấn thương sọ não, chảy máu não, phù não.
Mặc dù hành vi bạo hành bị xã hội lên án rất gay gắt, pháp luật xử lý nghiêm, nhưng trẻ em vẫn nằm trong nhóm bị đe dọa về tinh thần, sức khỏe rất cao. Bạo hành trẻ em có thể xảy ra trong gia đình, trường học, cộng đồng và trên mạng. Các hình thức bạo hành bao gồm lạm dụng về mặt vật lý, tâm lý, tình dục, bạo lực trực tuyến và xâm hại.
Xử lý nghiêm các hành vi bạo hành
Ở Việt Nam, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống bạo lực gia đình và đã ban hành nhiều đạo luật trực tiếp và gián tiếp như: Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật Dân sự,.. và đặc biệt Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007.
Những văn bản này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Nhưng đánh giá một cách khách quan thì các quy phạm pháp luật này chưa thực sự đi vào cuộc sống, sự quan tâm và hiểu biết về lĩnh vực này chưa đi vào chiều sâu, tình trạng bạo lực trong gia đình chưa có nhiều thay đổi và hơn thế nữa nó dần trở thành như một hiện tượng đáng báo động của xã hội.
Theo thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho thấy trong 5 năm trở lại đây, số vụ bạo lực gia đình được ghi nhận khoảng 20.000 vụ/năm. Số liệu báo cáo của các tổ chức phi chính phủ cũng cho thấy cứ 2-3 ngày lại có một người bị giết liên quan đến bạo lực gia đình, mà nạn nhân đa phần là phụ nữ và trẻ em.
Do đó, cần chung tay bảo vệ và lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực người già và trẻ em. Trên hết là tăng cường công tác giáo dục và nâng cao ý thức về vấn đề bạo hành đối với người già và trẻ em. Bao gồm việc cung cấp thông tin, đào tạo và tư vấn cho cộng đồng về nhận biết, phòng ngừa và ứng phó với bạo hành. Cần khuyến khích người dân báo cáo các trường hợp bạo hành và tạo ra một môi trường an toàn và hỗ trợ cho nạn nhân.
Tăng cường việc thực thi luật pháp liên quan đến bạo hành đối với người già và trẻ em. Đồng thời, cần đưa ra các biện pháp bảo vệ pháp lý mạnh mẽ để đảm bảo rằng những người phạm tội sẽ bị trừng phạt và nạn nhân sẽ được bảo vệ và được xử lý công bằng.
Xây dựng mạng lưới hỗ trợ, bao gồm các tổ chức chăm sóc sức khỏe, xã hội và tâm lý. Những tổ chức này cần cung cấp dịch vụ tư vấn, điều trị và hỗ trợ cho nạn nhân bạo hành, đồng thời nâng cao khả năng phục hồi và tái hòa nhập của họ.
Cải thiện hệ thống giám sát và báo cáo về bạo hành đối với người già và trẻ em. Đồng thời, tạo ra một môi trường gia đình và cộng đồng lành mạnh, nơi mọi người có thể cùng nhau xây dựng và tôn trọng nhau; Hỗ trợ và định hướng cho gia đình trong việc nâng cao kiến thức và kỹ năng quản lý xung đột, giải quyết vấn đề và tạo ra môi trường tình yêu thương và an toàn cho tất cả các thành viên.
Để ngăn ngừa bạo hành người già và trẻ em, cần có sự tham gia tích cực của cả cá nhân và cộng đồng. Bằng cách nâng cao ý thức, tăng cường bảo vệ pháp lý, xây dựng mạng lưới hỗ trợ, cải thiện hệ thống giám sát và báo cáo, và tăng cường hỗ trợ gia đình và cộng đồng, chúng ta có thể tạo ra một môi trường an toàn và bảo vệ cho người già và trẻ em.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/bao-ve-nguoi-gia-va-tre-em-truoc-van-nan-bao-hanh-380403.html