Bảo vệ người tiêu dùng, siết chặt quản lý kinh doanh đa cấp
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Bộ Công Thương tổ chức, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã báo cáo triển khai công tác quản lý Nhà nước về cạnh tranh bảo vệ người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong năm vừa qua.
Triển khai Luật Cạnh tranh 2018 đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Công Thương trong thời gian qua. Được sự nhất trí của Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã trình xin ý kiến Bộ Chính trị về việc kiện toàn mô hình tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (UBCTQG), là cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2023/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBCTQG.
Việc thành lập UBCTQG là yếu tố quan trọng để thực hiện chủ trương của Đảng nêu tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về việc "cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch" và "hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế".
Theo Nghị định số 03/2023/NĐ-CP, từ ngày 01 tháng 4 năm 2023, UBCTQG chính thức đi vào hoạt động, triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; tiến hành tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, …
Trong năm 2023, được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp tích cực của các đơn vị trong và ngoài Bộ, UBCTQG đã tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt kế hoạch công tác năm 2023 đảm bảo hiệu quả, tiến độ.
Công tác tham mưu, xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật
Trong năm 2023, UBCTQG đã triển khai xây dựng, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trong ngành, lĩnh vực được giao, cụ thể như sau:
Ngày 20 tháng 6 năm 2023, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Đây là khuôn khổ pháp luật quan trọng, tạo nền tảng cho việc đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, UBCTQG cũng đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định sô 03/2023/NĐ-CP ngày 1/ 2/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBCTQG; Nghị định số 18/2023/NĐ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; các thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương về quy chế tổ chức, hoạt động của UBCTQG, về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; UBCTQG cũng đang tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan báo cáo Lãnh đạo Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luât Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người giám định, người phiên dịch, người làm chứng, trình Chính phủ.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước
Lĩnh vực cạnh tranh
Trong năm 2023, UBCTQG đã tăng cường giám sát cạnh tranh trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như bưu chính, vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, sữa cho trẻ em và sản phẩm dinh dưỡng công thức, điện máy, điện lạnh, bảo hiểm, hóa chất, sàn thương mại điện từ,... Từ đó kịp thời phát hiện, xác minh và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.
Thường xuyên rà soát, triển khai thẩm định các giao dịch tập trung kinh tế trên thị trường, cập nhật, thống kê và tổng hợp dữ liệu về tình hình tập trung kinh tế của các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Tổ chức triển khai thẩm định trên 150 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong nhiều ngành/lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có nhiều giao dịch thực hiện ở nước ngoài nhưng có ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam, nhiều giao dịch doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt Nam...
Trong năm 2023, UBCTQG đã xem xét 8 hồ sơ vụ việc cạnh tranh và xác minh, đánh giá 29 vụ việc tiền tố tụng có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Trong đó, chủ động phát hiện và xác minh 11 vụ việc có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh và 18 phản ánh về vụ việc có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
Hiện nay UBCTQG đang tiếp tục xác minh, làm rõ thông tin các vụ việc nêu trên theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, để có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm tạo lập, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng minh bạch và thúc đẩy cạnh tranh, báo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Lĩnh vực quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp
Trong năm 2023, công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tiếp tục được triển khai một cách chặt chẽ, góp phần ngăn chặn, không để xảy ra các vấn đề phức tạp trong lĩnh vực bán hàng đa cấp do Bộ Công Thương quản lý.
UBCTQG đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; đã chuyển thông tin về 5 trường hợp có dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép cho Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an để theo dõi, giám sát và xử lý kịp thời; phối hợp trả lời, cung cấp thông tin cho cơ quan công an các địa phương như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Hà Nam, Quảng Bình, Đà Nẵng trong việc xác định, xử lý các hoạt động kinh doanh đa cấp có dấu hiệu bất hợp pháp.
Tăng cường chỉ đạo công tác truyền thông, cảnh báo các mô hình kinh doanh đa cấp bất chính nhằm hạn chế nguy cơ người dân tham gia cũng như nâng cao nhận thức của người dân: một số sàn thương mại điện tử, các ứng dụng đầu tư trực tuyến...
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp được triển khai tích cực, hiệu quả, đã hoàn thành kiểm tra đối với 06 doanh nghiệp bán hàng đa cấp và ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với 06 doanh nghiệp và 01 người tham gia vi phạm với số tiền phạt 1 tỷ 490 triệu đồng.
Lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Trong năm 2023, UBCTQG đã triển khai đồng bộ các hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: tiếp tục triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chỉ đạo triển khai có hiệu quả các Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng; Đề án Phát triển Hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng tại Bộ Công Thương giai đoạn 2021-2025; Đề án Xây dựng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về bảo vệ người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025; Đề án tăng cường tuyên truyền, giáo dục phổ biến chính sách pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho người tiêu dùng yếu thế giai đoạn 2021 - 2025; Đề án phát triển hệ sinh thái số, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Thực hiện tốt công tác thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với khoảng trên 150 hồ sơ; hoàn thiện quy trình, giải quyết phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng trên hệ thống tổng đài tư vấn miễn phí và các phương thức khác.
Trong năm 2023, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với 05 doanh nghiệp, đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 05 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt 600 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong lĩnh vực quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, còn gặp phải một số hạn chế, khó khăn.
Thứ nhất, UBCTQG chính thức đi vào hoạt động từ 1/4/2023, do đó, cần có thời gian để ổn định, kiện toàn về tổ chức, nhân sự cũng như hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ hai, nhận thức của người dân, doanh nghiệp và một số cơ quan quản lý về quy định pháp luật về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế, ảnh hưởng tới hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này.
Trong bối cảnh 2024 được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, UBCTQG tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ.
Một là, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương trong việc tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho các thành phần kinh tế và hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Hai là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ đối với công chức, người lao động tại Ủy ban theo đúng chỉ đạo của Ban cán sự, lãnh đạo Bộ để nâng cao chất lượng công việc.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế cho công tác quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Cụ thể là báo cáo Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ ký ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người giám định, người phiên dịch, người làm chứng theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Bốn là, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tăng cường năng lực thực thi để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam; tập trung xác minh dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh, tổ chức điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, đặc biệt là một số lĩnh vực mang tính chất nổi cộm; tăng cường hiệu quả phối hợp, tham vấn, trao đổi giữa cơ quan quản lý cạnh tranh và các cơ quan quản lý chuyên ngành trong công tác kiểm soát các giao dịch tập trung kinh tế.
Năm là, tập trung thực hiện kế hoạch triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2024 đồng thời tiếp tục quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.