Bảo vệ người tố cáo, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực

Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ người tố cáo, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là đề xuất được các đại biểu đưa ra tại Hội nghị 'Tăng cường bảo vệ người tố cáo, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực' do Ủy ban Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) và Chính phủ Nhật Bản tổ chức.

Còn xảy ra hành vi trả thù, trù dập người tố cáo

Bảo vệ người tố cáo, tố giác hành vi vi phạm pháp luật là trách nhiệm của Nhà nước, giúp việc giải quyết tố cáo, tố giác phát huy hiệu quả, đồng thời khuyến khích, động viên người dân dũng cảm phát hiện và tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Khánh Trinh

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Khánh Trinh

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Cơ quan Nội chính, Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Phương, trong 5 năm qua, các cấp ủy trực thuộc Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp ủy, bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo; đề cao vai trò của các tổ chức đoàn thể trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp của viên chức, người lao động…

Về kết quả xử lý, có 297 người tố cáo yêu cầu được bảo vệ (33 người về vị trí công tác, việc làm; 165 người về tính mạng, sức khỏe; 35 người về tài sản và 64 người về danh dự, nhân phẩm). Các cơ quan chức năng đã áp dụng biện pháp bảo vệ cho 136 người; 3 người bị xử lý vì có hành vi trả thù, trù dập; 5 người bị xử lý về hành vi vu khống, tố cáo sai sự thật; có 5 người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền bị xử lý do buông lỏng lãnh đạo, quản lý để người tố cáo bị trả thù, trù dập.

Phó Vụ trưởng Vụ các cơ quan Nội chính, Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Phương trao đổi về kết quả bảo vệ người tố cáo, tố giác. Ảnh: Khánh Trinh

Phó Vụ trưởng Vụ các cơ quan Nội chính, Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Phương trao đổi về kết quả bảo vệ người tố cáo, tố giác. Ảnh: Khánh Trinh

Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát về bảo vệ người tố cáo; lồng ghép công tác này trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ quan Nội chính cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với công tác bảo vệ người tố cáo chưa thường xuyên, hầu như chưa được thực hiện chuyên sâu; khó khăn cho việc bảo mật thông tin về người tố cáo, dễ lộ lọt thông tin về người tố cáo; công tác phối hợp giữa các cơ quan trong công tác bảo vệ người tố cáo còn chậm; chế tài xử lý đối với trường hợp cố tình tố cáo sai sự thật chưa đủ răn đe…

Hoàn thiện cơ chế bảo vệ

Trao đổi về phương hướng hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người tố cáo, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Trần Văn Long cho biết, bảo vệ người tố cáo, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng bao gồm nhiều biện pháp pháp lý, được quy định trong nhiều văn bản, nhưng chủ yếu trong các quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo.

Yêu cầu bảo vệ người tố cáo, tố giác, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thể hiện trong một số văn bản như: Chỉ thị số 27- CT/TW ngày 10.01.2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Luật Tố cáo 2018; Luật Phòng, chống tham nhũng 2018; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng…

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Trần Văn Long phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Khánh Trinh

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Trần Văn Long phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Khánh Trinh

Trong đó, Luật Tố cáo quy định các biện pháp cụ thể để bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ vị trí công tác, việc làm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm.

Luật Phòng, chống tham nhũng cũng quy định nghiêm cấm hành vi đe dọa, trả thù, trù dập, tiết lộ thông tin về người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng; lợi dụng việc phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng để vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác…

Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ Trần Văn Long cho rằng, thời gian tới, cần tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng để đánh giá toàn diện những mặt tích cực và những tồn tại, hạn chế để có kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện cho phù hợp.

Thượng tá, Thạc sĩ Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng pháp luật hình sự và cải cách tư pháp, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Khánh Trinh

Thượng tá, Thạc sĩ Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng pháp luật hình sự và cải cách tư pháp, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Khánh Trinh

Trong đó, cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện quy định về bảo vệ người tố cáo; động viên, khen thưởng kịp thời người tố cáo đúng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo; có sự tương thích trong quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật giữa Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức với Luật Phòng, chống tham nhũng.

Chuyên gia phòng ngừa tội phạm và tư pháp hình sự, UNODC tại Vienna, trao đổi về chuẩn mực quốc tế mới nhất xác định "người tố cáo, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực". Ảnh: Khánh Trinh

Chuyên gia phòng ngừa tội phạm và tư pháp hình sự, UNODC tại Vienna, trao đổi về chuẩn mực quốc tế mới nhất xác định "người tố cáo, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực". Ảnh: Khánh Trinh

Phó Vụ trưởng Trần Văn Long cũng đề nghị nghiên cứu: sửa đổi quy định của Luật Tố cáo năm 2018 theo hướng bổ sung thêm người được bảo vệ là người phát hiện, kiến nghị, phản ánh, cung cấp các thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật, hành vi tham nhũng, tiêu cực; quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người tố cáo; quy định cụ thể, làm rõ các tiêu chí về việc bố trí công tác khác cho người được bảo vệ; quy định thống nhất, đầy đủ về bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo…

Cũng tại hội nghị, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an đã có các trao đổi về tồn tại, giải pháp hoàn thiện qua thực tiễn công tác thực hiện các quy định về bảo vệ người tố cáo, tố giác tội phạm; người làm chứng, người bị hại và người tham gia tố tụng khác trong tố tụng hình sự.

Khánh Trinh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bao-ve-nguoi-to-cao-to-giac-dau-tranh-chong-tham-nhung-tieu-cuc-i385918/