Bảo vệ nguồn gen quý

Để lưu giữ, bảo tồn nguồn gen, nhân giống được những loài cây thuốc quý, hiếm của núi rừng Hoàng Liên, những năm qua, các cán bộ Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Sa Pa đang ngày đêm 'ăn ngủ' cùng các loài cây quý.

Nhân giống cây sâm Ngọc Linh tại Sa Pa.

Nhân giống cây sâm Ngọc Linh tại Sa Pa.

Sâm Ngọc Linh có hàm lượng saponin cao nhất trong tất cả các loài sâm, có giá trị rất lớn với sức khỏe con người,thuộc loài quý, hiếm và có giá đắt bậc nhất thế giới. Sâm Ngọc Linh là loài cây trong Sách đỏ Việt Nam cần được bảo tồn. Trước thực tế đặt ra, cùng với nhiều nơi trong cả nước, Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Sa Pa cũng bắt tay vào nghiên cứu, bảo tồn loài cây này.

Ông Lương Văn Hào, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Sa Pa chia sẻ, từ cây giống tự nhiên để đưa về đã rất khó khăn, nhưng sau thời gian dài nghiên cứu, trung tâm đã tìm hiểu và có giải pháp giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt. Với khí hậu đặc biệt tại Sa Pa, đến năm 2020, trung tâm bắt đầu nhân giống được gen sâm Ngọc Linh. “Mục tiêu của chúng tôi không chỉ nhân giống mà còn chú trọng vào chất lượng của loài sau nhân giống, đảm bảo hàm lượng dược chất có được trong cây thuốc” - ông Hào nói.

Với nhiệm vụ chính là điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu khu vực miền núi phía Bắc; nghiên cứu, chọn, tạo giống, nuôi trồng, chế biến và bảo quản dược liệu; nghiên cứu bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống dược liệu,Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Sa Pa đã thực hiện tốt nhiệm vụ này và tham gia mạng lưới Quỹ gen cây thuốc từ năm 1988. Trong những năm qua, trung tâm đã thu thập, bảo tồn, đánh giá hơn 200 loài cây thuốc bản địa phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển dược liệu trong nước, trong đó có hơn 40 loài cây thuốc quý có tên trong Danh mục đỏ cây thuốc (2006) và Sách đỏ Việt Nam (2007) được lưu giữ và bảo tồn như các loài thuộc chi sâm, bảy lá một hoa, ngũ gia bì... Nhiều loài cây thuốc đã được Viện Dược liệu và trung tâm nghiên cứu phát triển, khảo nghiệm, cung cấp giống, tư vấn kỹ thuật cho các đơn vị và hộ sản xuất tại các vùng sinh thái phù hợp trong cả nước như cây đẳng sâm Việt Nam, hà thủ ô đỏ, ngũ gia bì gai... Trung tâm đang tập trung bảo tồn, phát triển những loài sâm quý như Ngọc Linh, ngũ diệp, tam thất Bắc, tam thất hoang… với hơn 14 nghìn cây đã được nhân giống thành công.

Đánh giá chất lượng cây dược liệu sau khi nhân giống tại Sa Pa.

Đánh giá chất lượng cây dược liệu sau khi nhân giống tại Sa Pa.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề và phần lớn thời gian làm việc, nghiên cứu các giống gen quý hiếm, nghiên cứu viên Phạm Ngọc Khánh, Phòng Bảo tồn nguồn gen và chọn tạo giống, Trung tâm nghiên cứu Dược liệu Sa Pa cho biết: Rất khó để có được những gen quý, hiếm của loài dược liệu, bởi tập tính tự nhiên của cây thuốc là sống dưới tán rừng già. Ví dụ như cây sâm ngũ diệp trên núi Hoàng Liên, sau khi được phát hiện vào năm 2013, cán bộ của trung tâm phải trực tiếp đến tận khu vực tìm thấy cây và dựng lán ở lại trong rừng để nghiên cứu đất, khí hậu và tập tính sinh trưởng của cây, sau đó mới đưa cây về trồng thử. Cây được trồng trong nhà kính và tạo điều kiện như ở vùng tự nhiên để có thể bảo tồn. Sau hơn 8 năm nghiên cứu và thử nghiệm nhân giống, đến nay trung tâm đã có được 2.000 cây giống.

Thời gian qua, nhiều người nghe thông tin có loại cây quý, hiếm đã tìm tới để lấy trộm. Để giữ được cây, cán bộ của trung tâm phải bám sát nơi trồng, thay phiên nhau trực 24/24 giờ tại những vườn nhân giống.

Không chỉ bảo tồn các loài quý, hiếm của núi rừng Hoàng Liên, trong những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Sa Pa còn nhập nội và tiếp nhận nhiều giống cây thuốc theo các chương trình nghiên cứu, nhân giống phát triển của Bộ Y tế. Trong đó, nhiều cây thuốc đã được đánh giá khả năng thích nghi, nhân giống, khảo nghiệm và sản xuất, góp phần xây dựng thương hiệu cây dược liệu tại Lào Cai như cây lão quan thảo Nhật Bản, chè Nhật, vân mộc hương, đương quy Nhật Bản, đỗ trọng, atiso, xuyên khung, bạch truật... Một số cây thuốc đang được các công ty dược, người dân sản xuất quy mô lớn từ nguồn giống do Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Sa Pa cung cấp, như atiso, đương quy, cát cánh...

Với nhu cầu dược liệu trong nước ngày càng tăng, Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Sa Pa đang tiếp tục nhập nội và đánh giá một số nguồn gen cây thuốc mới, có tiềm năng kinh tế và giá trị chữa bệnh. Sau khi hoàn thiện các bước đánh giá, khảo nghiệm, trung tâm sẽ chuyển giao giống và kỹ thuật cho địa phương và các đơn vị có nhu cầu.

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Sa Pa sưu tầm cây thuốc quý trên núi Hoàng Liên.

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Sa Pa sưu tầm cây thuốc quý trên núi Hoàng Liên.

Ông Lương Văn Hào, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Sa Pa cho biết thêm: Nhiệm vụ trong thời gian tới và những năm tiếp theo của trung tâm là tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các loài cây thuốc quý, hiếm của Việt Nam và một số loài cây quý của thế giới, mục tiêu là bảo tồn, nhân giống với chất lượng và hàm lượng dược chất tốt nhất, vừa chủ động nguồn giống dược liệu tại Việt Nam, vừa phục vụ nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng hình ảnh và vị thế của cây thuốc Việt Nam trên bản đồ dược liệu thế giới.

Trong tương lai không xa, được sự đồng thuận của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), trung tâm sẽ xây dựng đồng bộ quy trình nhân giống, chuyển giao công nghệ sản xuất cho người dân, phối hợp với doanh nghiệp mở rộng sản xuất cây thuốc để cung cấp nguồn nguyên liệu quý cho các công ty sản xuất dược phẩm trên toàn quốc.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/346809-bao-ve-nguon-gen-quy