Bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chương trình quốc gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giai đoạn 2021 - 2030 (thuộc Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) là thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức cộng đồng, các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (NLTS), gắn với chống khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo và không theo quy định (IUU).
Nguồn lợi thủy sản suy giảm ảnh hưởng đến cuộc sống ngư dân.
Tiến sĩ Nguyễn Long, chuyên gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, chính quyền địa phương cần quan tâm thành lập Quỹ bảo vệ NLTS để hỗ trợ, khích lệ ngư dân, người dân ven biển tích cực tham gia vào các tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý, bảo vệ NLTS gắn với chống khai thác IUU. Khu vực biển giao cho tổ chức cộng đồng quản lý phải rõ ràng, minh bạch và cụ thể, tránh gây xung đột sinh kế với cộng đồng ngư dân ven bờ.
Trên địa bàn Quảng Ngãi hiện có trên 300 tổ ngư dân đoàn kết trên biển, 12 nghiệp đoàn nghề cá, 15 chi hội nghề cá và 8 hợp tác xã dịch vụ và khai thác thủy sản xa bờ. Ngoài ra, tại huyện Bình Sơn đã thành lập Tổ cộng đồng quản lý và bảo vệ NLTS, rạn san hô hệ sinh thái biển ở khu vực bàu Cá Cái, ở xã Bình Thuận và Gành Yến, ở xã Bình Hải. Các tổ chức cộng đồng này đã phát huy tốt công tác tuyên truyền, vận động ngư dân và người dân ven biển chấp hành các quy định trong quá trình khai thác, bảo vệ NLTS.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, nhiều tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý bảo vệ NTLS trên địa bàn tỉnh hoạt động chưa phù hợp, hiệu quả thấp vì thiếu trang thiết bị và phương tiện. Chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa quan tâm hỗ trợ các tổ chức cộng đồng tham gia quản lý bảo vệ NTLS, việc phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm còn xuê xoa.
Tuy có sự tham gia của tổ chức cộng đồng nhưng do phương thức chưa phù hợp, dẫn đến hiệu quả bảo vệ rừng ngập mặn bàu Cá Cái, xã Bình Thuận (Bình Sơn) chưa đạt hiệu quả.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian đến, Sở NN&PTNT sẽ xây dựng dự án “Thúc đẩy phát triển bền vững cộng đồng ở Bình Sơn, theo hướng hài hòa sinh thái xã hội với công nghiệp hóa và đô thị hóa gắn trao quyền cho cộng đồng trong quản lý bảo vệ san hô, bảo tồn văn hóa tri thức truyền thống và phát triển sinh kế”, thông qua sự tài trợ của Quỹ môi trường toàn cầu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam. Mô hình này sẽ được triển khai thực hiện tại 2 xã Bình Thuận và Bình Hải, theo hướng giao quyền và trách nhiệm quản lý gắn với khai thác, phát triển NLTS nhằm tạo sinh kế cho người dân tham gia.
Huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện hiệu quả dự án Xây dựng mô hình thí điểm cộng đồng quản lý NLTS xã Thuận Quý và Đội giám sát IUU gắn với Hội cộng đồng ngư dân xã Tân Thuận. Cùng với việc tuyên truyền, vận động cộng đồng chung tay bảo vệ nguồn lợi sò lông từ biển, trực tiếp thả giống tái tạo nguồn lợi sò lông, các thành viên trong Hội cộng đồng quản lý NLTS ở xã Thuận Quý còn tích cực giám sát các hoạt động khai thác NLTS. Đội giám sát IUU gắn với Hội cộng đồng ngư dân xã Tân Thuận hoạt động với sự phối hợp chặt chẽ giữa ngư dân, chính quyền địa phương và các lực lượng kiểm ngư, bộ đội biên phòng.
Qua đó, phát huy vai trò gắn kết cộng đồng ngư dân, bảo vệ NLTS ven bờ; ngăn chặn, tiến tới loại bỏ nghề cấm trong khai thác thủy sản; lan tỏa các hoạt động bảo vệ môi trường khu vực ven biển, tạo tiền đề xây dựng làng cá văn minh. Thời gian đến, Tổng cục Thủy sản sẽ phối hợp với các địa phương nhân rộng mô hình tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý bảo vệ NLTS, trước mắt là ở 3 tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Bài, ảnh: MỸ HOA