Bảo vệ nguồn nhân lực y tế
Nhân viên y tế là những chiến sĩ tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Họ chấp nhận vất vả, hy sinh để mang lại sức khỏe và sự sống an toàn cho các bệnh nhân và cộng đồng. Quá trình làm nhiệm vụ, nguy cơ lây nhiễm, rủi ro cũng rất cao với họ. Do vậy, việc bảo vệ nhân viên y tế là hết sức quan trọng, không chỉ bảo vệ sức khỏe cho họ mà còn đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ công tác điều trị cũng như phòng chống dịch bệnh.
Bảo vệ nguồn nhân lực y tế
“Chúng tôi không lùi bước”
Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Nam hiện đang điều trị cho 9 bệnh nhân Covid-19. Tại đây, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với ca bệnh, luôn đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm bất cứ lúc nào. Và trên thực tế, trung tâm cũng đã ghi nhận 3 trường hợp nhân viên y tế nhiễm Covid -19.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện cho biết: “Dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nhân viên y tế như đang ra trận, bước vào một cuộc chiến đầy cam go và luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Vì vậy, chúng tôi luôn xác định phải hết sức cẩn trọng, tuân thủ tuyệt đối các quy định an toàn và bảo vệ sức khỏe, phòng lây nhiễm chéo. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi lùi bước”.
“Không vì thế mà chúng tôi lùi bước”, cũng là lời khẳng định, chắc như đinh đóng cột của hầu hết nhân viên y tế thời điểm này, đặc biệt là những người bác sĩ, y tá, điều dưỡng, kỹ thuật viên… đang ở nơi điểm nóng của dịch Covid -19.
Đợt dịch thứ 4 này, thị xã La Gi có số bệnh nhân tăng lên từng ngày. Đến thời điểm này, toàn thị xã đã có 625 ca. Các bệnh nhân ở nhiều lứa tuổi, có cả bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh nền là tăng huyết áp, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường... Do đó, để bảo đảm an toàn trong điều trị, bệnh viện của thị xã cũng như các cơ sở điều trị mới được thành lập đã phân luồng, sàng lọc, cách ly người nhiễm, nghi nhiễm riêng, đồng thời hướng dẫn nhân viên y tế sử dụng thiết bị bảo hộ để phòng lây nhiễm chéo.
Theo bác sĩ Đỗ Viết Hải, Bệnh viện đa Khoa khu vực La Gi: Số ca nhiễm tăng lên từng ngày, vì vậy khu điều trị Covid - 19 theo kế hoạch bị quá tải, phải triển khai khu điều trị mới nhanh chóng và kịp thời. Nhân lực bình thường đã thiếu, nay còn phải chia ra vừa khu điều trị bệnh nhân thường, vừa khu điều trị bệnh nhân cách ly, một số lây nhiễm nhân viên y tế nên phải cách ly thêm, khó khăn càng chồng chất khó khăn. “Áp lực về trang thiết bị y tế. Tỷ lệ bệnh nặng chiếm 5%. Khó khăn là vậy, nhưng chúng tôi đã xác định, phải nỗ lực hết mình để cứu chữa người bệnh”, bác sĩ Hải chia sẻ thêm.
Áp lực, mệt mỏi, khó khăn, các nhân viên y tế đã chạy đua từng phút, từng giờ để cứu chữa người bệnh. Trong bối cảnh này, nguy cơ lây nhiễm chéo Covid-19 luôn cận kề họ. Theo Sở Y tế Bình Thuận, tính từ đợt dịch thứ 4 đến ngày 3/8, tỉnh đã có trên 10 nhân viên y tế nhiễm Covid 19 khi làm nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân Covid – 19, cũng như những công việc phục vụ cho công tác phòng chống dịch.
Tăng cường biện pháp phòng hộ
Toàn tỉnh hiện có gần 6.000 nhân viên y tế. Một trong những nội dung mà ngành y tế quan tâm thời điểm này đó chính là chuẩn bị nguồn nhân lực để sẵn sàng chi viện. Do đó, sức khỏe của nhân viên y tế không phải là tài sản riêng của họ mà chính là tài sản chung của hệ thống y tế. Bởi nếu họ bị nhiễm bệnh thì bệnh nhân sẽ không được chăm sóc tốt nhất và hệ thống của chúng ta sẽ bị thiếu đi một lực lượng phục vụ.
Trước thực trạng trên, Sở Y tế Bình Thuận đã yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, cũng như toàn thể nhân viên y tế thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng và kiểm soát lây nhiễm chéo dịch Covid-19 trong cơ sở khám, chữa bệnh. Đồng thời rà soát lại toàn bộ các khâu tiếp nhận, thu dung, điều trị các trường hợp mắc Covid-19, đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện phòng hộ cá nhân để tránh lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế phục vụ chăm sóc, khám và điều trị cho bệnh nhân.
Ông Đặng Thức Anh Vũ – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, để giám sát chặt chẽ, hạn chế việc lây nhiễm chéo dịch Covid-19 trong các cơ sở điều trị, Bình Thuận đã thực hiện định kỳ 3 ngày/lần tổ chức xét nghiệm test nhanh Covid -19 và sử dụng phương pháp RT-PCR nếu có nghi ngờ cho tất cả nhân viên y tế trong các cơ sở điều trị; 1 lần trong tuần đối với những nơi có nguy cơ thấp. Ngoài ra, thực hiện phun khử khuẩn 2 ngày/lần và phun khử khuẩn ngay khi cần thiết tại nơi tiếp nhận ca mắc mới, sau khi di chuyển người bệnh đi nơi khác.
“Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và đề nghị mỗi cán bộ y tế nghiêm túc thực hiện việc kiểm soát nhiễm khuẩn, bảo đảm trang phục phòng hộ cá nhân, phòng ngừa lây nhiễm trong gia đình”, ông Vũ cho biết thêm.
Thanh Nhàn
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/bao-ve-nguon-nhan-luc-y-te-140140.html