Bảo vệ nhãn hiệu đặc sản địa phương

Con bù xè là tên gọi mà người dân xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đặt cho một loài ấu trùng mà nếu không có nó thì không có trầm hương tự nhiên. Bù xè đục vào thân cây dó bầu, gây tổn thương và kích thích cây tiết ra nhựa để tự bảo vệ. Nhựa này sau thời gian dài biến thành trầm hương. Cùng với bưởi, trầm hương Phúc Trạch đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, hằng năm mang về giá trị kinh tế cho người dân trong xã gần 100 tỷ đồng.

Chuyện chẳng có gì đáng nói nhưng bỗng dưng mới đây, người dân và cơ quan chức năng địa phương phát hiện con bù xè đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Hàn Quốc: “Phuc Trach Agarwood Larva” và cá nhân/pháp nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đó không phải đến từ Phúc Trạch mà có địa chỉ tại Hàn Quốc. Điều này dẫn đến hậu quả pháp lý là các sản phẩm từ trầm hương chính hiệu mang nhãn hiệu Phúc Trạch-Hà Tĩnh-Việt Nam khi xuất khẩu đến Hàn Quốc có thể không được thông quan vì bị xem là hàng nhái, hàng giả. Giờ đây, nếu có cá nhân/pháp nhân nào ở Việt Nam thực hiện đăng ký nhãn hiệu “Trầm hương Phúc Trạch” tại Hàn Quốc, nhiều khả năng sẽ bị từ chối do cụm từ này phần lớn trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ.

Ảnh minh họa: Moit.gov.vn

Ảnh minh họa: Moit.gov.vn

Lường trước những trở ngại đó, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh cần kịp thời khởi động công việc thuộc thẩm quyền, như xác định xem ai là chủ sở hữu hợp pháp của quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu ấu trùng dó trầm Phúc Trạch, Hương Khê. Đó có thể là cá nhân hoặc tổ chức thu thập ấu trùng, hoặc có thể là chính quyền địa phương sở hữu khu vực nơi ấu trùng được tìm thấy. Nếu tổ chức hoặc cá nhân Hàn Quốc không có quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp đối với nhãn hiệu ấu trùng dó trầm Phúc Trạch, Hương Khê, thì việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của họ có thể bị coi là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu hợp pháp. Cùng với đó, cần xem xét các quy định pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu tại Hàn Quốc để xác định xem nhãn hiệu “Phuc Trach Agarwood Larva” có đáp ứng các yêu cầu để được đăng ký hay không. Ví dụ, nhãn hiệu cần phải có khả năng phân biệt, không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác, và không trái với trật tự công cộng hoặc đạo đức. Nếu nhãn hiệu “Phuc Trach Agarwood Larva” không đáp ứng các yêu cầu này thì việc đăng ký của tổ chức hoặc cá nhân Hàn Quốc có thể bị coi là vi phạm pháp luật bảo hộ nhãn hiệu tại Hàn Quốc.

Đã từng có nhiều nhãn hiệu, thương hiệu đặc sản địa phương của nước ta bị đăng ký ở nước ngoài dẫn đến những thiệt hại không nhỏ. Do vậy, chính quyền các địa phương cần khuyến khích người dân và doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc sản của mình. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với phát triển kinh tế-xã hội cùng với hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người sáng tạo và doanh nghiệp. Việc bảo vệ nhãn hiệu đặc sản địa phương còn mang ý nghĩa bảo vệ giá trị văn hóa, kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường quốc tế. Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân cần chung tay hợp tác để bảo vệ và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu các đặc sản địa phương khác của Việt Nam.

TRẦN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/bao-ve-nhan-hieu-dac-san-dia-phuong-782838