Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn làm điện gió, điện khí ở Việt Nam
Lãnh đạo một số tập đoàn Hàn Quốc muốn Chính phủ có cơ chế hỗ trợ pháp lý, tài chính để đầu tư, hoàn thành các dự án quy mô lớn.
Sáng 1/7, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, tại thủ đô Seoul, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham gia tọa đàm với các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc.
Cuộc tọa đàm quy tụ nhiều tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc như Doosan Enerbility, Hanwa Aerospace, HD Hyundai MIPO, LG CNS, Posco…
Tại tọa đàm, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Các tập đoàn Hàn Quốc kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương Việt Nam nhiều giải pháp để góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đầu tư mới vào các dự án quy mô lớn trên các lĩnh vực trọng điểm như năng lượng, đóng tàu, hàng không, dược phẩm, điện tử…
Đề xuất tham gia các dự án điện lớn
Cụ thể, lãnh đạo Tập đoàn Doosan Enerbility mong muốn tham gia các dự án điện gió, điện khí của Việt Nam. Cùng với đó có thể cung cấp thiết bị của nhà máy phát điện, phát triển tua bin gió phù hợp để đóng góp vào ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam. Đồng thời khẳng định, Doosan sẵn sàng chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cho Việt Nam.
Tập đoàn Hanwa Aerospace bày tỏ mong muốn được tham gia lĩnh vực bảo dưỡng động cơ máy bay vì Việt Nam có nhiều hãng hàng không lớn có nhu cầu nhưng phải ra nước ngoài như Mỹ, Singapore để bảo trì, bảo dưỡng máy bay.
Vì vậy, lãnh đạo tập đoàn này hy vọng thời gian tới sẽ làm được các công việc bảo dưỡng, bảo trì máy bay ở Việt Nam.
Lãnh đạo Tập đoàn GS Energy cho biết dự kiến đàm phán hợp đồng mua bán điện vào cuối năm nay và tiến hành thành công dự án này theo Quy hoạch Điện VIII của Việt Nam.
Tập đoàn POSCO International cho biết đã sản xuất hơn 2,3 triệu tấn thép ở Việt Nam với doanh thu 1,5-2 tỷ USD mỗi năm. Từ 2015, tập đoàn này đã tham gia vào dự án Nhiệt điện Mông Dương 1 và đang hướng tới dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập ở Nghệ An với mong muốn đóng góp cho dự án và sự phát triển của địa phương.
Lãnh đạo tập đoàn HD Hyundai Mipo cho biết đơn vị đang đầu tư mạnh vào Việt Nam để cùng phát triển ngành đóng tàu. Doanh nghiệp đang cố gắng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường vào ngành đóng tàu để đóng góp vào sự phát triển bền vững cho ngành đóng tàu của Việt Nam.
Đề xuất tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hợp tác 2 bên
Giải đáp các vấn đề về đầu tư mà doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao đóng góp của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Bộ trưởng mong muốn các tập đoàn Hàn Quốc sẽ mở rộng hợp tác ở Việt Nam theo 3 hướng tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy hạ tầng số và chuyển đổi xanh theo chiến lược tăng trưởng xanh, đặc biệt về giao thông, năng lượng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Chính phủ cam kết ủng hộ và sẵn sàng tháo gỡ vướng mắc để đồng hành cùng các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Trả lời các vấn đề về năng lượng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết năm 2023, Thủ tướng đã phê duyệt 4 quy hoạch ngành quốc gia. Quy hoạch đã có, cơ chế đang hoàn thiện trong khi Hàn Quốc có nhu cầu hợp tác. Theo ông Diên, 2 bên đang có dư địa rất lớn để hợp tác.
Nhấn mạnh nhu cầu lớn về năng lượng, Bộ trưởng Diên khẳng định Việt Nam đang thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Để bảo đảm năng lượng trong mọi tình huống, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo 6 giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế; áp dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp; hoàn thiện cơ chế điện mặt trời áp mái theo hướng tự sản, tự tiêu; rà soát điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường.
Ngoài ra, Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong lĩnh vực năng lượng mới nên rất mong doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư ở Việt Nam, phù hợp định hướng phát triển của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ thêm Việt Nam đang đa dạng hóa các nguồn điện. Nhu cầu sử dụng điện những tháng đầu năm nay đã tăng 15%. Với xu hướng này còn tiếp tục tăng, song theo Thủ tướng, Việt Nam bảo đảm không thiếu điện.
Liên quan đề nghị của doanh nghiệp về bảo trì, bảo dưỡng động cơ máy bay, lãnh đạo Chính phủ rất hoan nghênh và cho biết Việt Nam có hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và hãng hàng không tư nhân đang phát triển rất nhanh là Vietjet Air.
Vì thế, Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc liên hệ với các hãng này để bàn về hợp tác. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang đang phát triển kinh tế hàng không với nhiều hệ thống sân bay, đặc biệt là đang xây dựng thêm sân bay Long Thành, nên hợp tác về bảo trì, bảo dưỡng máy bay là nội dung đang rất cần thiết.
Về hợp tác ngành đóng tàu, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đây là nhu cầu lớn do Việt Nam đang phát triển kinh tế biển và ngành công nghiệp đóng tàu. Đặc biệt, Việt Nam có vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng sông nước, giao thông thủy đóng vai trò quan trọng và nhu cầu đóng tàu rất lớn.
Trong lĩnh vực y dược, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư đầu tư vào lĩnh vực y tế, dược phẩm. Hiện Chính phủ đang hoàn thiện thể chế liên quan lĩnh vực này.
"Chúng ta đang mở ra chân trời hợp tác mới trên tinh thần toàn diện, toàn cầu, toàn dân để hiện thực hóa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện 2 nước, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại 2025 đạt 100 tỷ USD, đến năm 2030 đạt 150 tỷ USD", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.