Bảo vệ, nuôi dưỡng nguồn lợi thủy sản

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay trữ lượng thủy, hải sản của Việt Nam ước tính khoảng 4,4 đến 4,5 triệu tấn và nếu tính cả nguồn lợi ở vùng biển sâu, gò nổi, cửa sông và đầm phá ven biển thì nguồn trữ lượng này còn lớn hơn nữa.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay trữ lượng thủy, hải sản của Việt Nam ước tính khoảng 4,4 đến 4,5 triệu tấn và nếu tính cả nguồn lợi ở vùng biển sâu, gò nổi, cửa sông và đầm phá ven biển thì nguồn trữ lượng này còn lớn hơn nữa.

Tuy nhiên, điều đáng nói là sản lượng khai thác hải sản hằng năm của chúng ta lại lên tới hơn ba triệu tấn, cộng thêm sản lượng khai thác thủy sản nội đồng hằng năm khoảng 200.000 tấn, thì đã vượt mức sản lượng khai thác bền vững cho phép. Ngoài ra, sức ép về tăng dân số, phát triển thủy điện, thủy lợi, ô nhiễm môi trường… đã làm mất đường di cư sinh sản và giảm bãi đẻ, bãi giống, nơi cư trú của nhiều loài thủy sinh dẫn đến nguồn lợi thủy, hải sản suy giảm nghiêm trọng.

Thực trạng nguồn lợi thủy sản ngày càng suy kiệt xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, nhận thức của người dân về bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa cao. Tình trạng sử dụng các nghề, ngư cụ có tính tận diệt nguồn lợi, như chất nổ, xung điện, lưới kéo, lưới kéo đôi (giã cào bay), đánh bắt cá con, đánh bắt ở vùng biển ven bờ, thủy vực nội đồng, trong các khu bảo tồn biển vẫn tiếp diễn. Nguồn lợi thủy sản và chất lượng môi trường đang bị suy giảm, đặc biệt là ở vùng ven bờ, vùng nội đồng. Một số địa phương chưa quan tâm đến công tác bảo vệ, bảo tồn cũng như phát triển kinh tế chưa đi đôi với bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chưa kiểm soát được cường lực khai thác phù hợp với nguồn lợi. Thiếu chính sách chuyển đổi nghề khai thác xâm hại nguồn lợi sang các nghề thân thiện với môi trường và thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Trong bối cảnh như vậy, việc lập "Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản" nhằm bảo vệ, bảo tồn, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản; khai thác hiệu quả, bền vững phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia là một yêu cầu vô cùng cấp bách đặt ra không chỉ với ngành nông nghiệp mà cả với đất nước.

Tại kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đặc biệt nhấn mạnh đến các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Cụ thể: Cần tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của thủy sản định kỳ 5 năm; điều tra nguồn lợi thủy sản vùng nội đồng theo Luật Thủy sản năm 2017; điều tra đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản biển sâu, gò đồi. Phân bổ, quản lý hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi.

Ðồng thời, tổ chức rà soát các khu bảo tồn biển cấp quốc gia, cấp tỉnh; thành lập mới các khu bảo tồn biển nhằm đạt mục tiêu đạt tối thiểu 6% diện tích vùng biển cần bảo tồn theo Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Trên thực tế, cả nước đã thành lập được 11 trong số 16 khu bảo tồn biển, với diện tích bảo tồn hơn 133 nghìn ha, đạt 0,134% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam, giúp bảo tồn các hệ sinh thái góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, du lịch cho đất nước.

Triển khai thực hiện Ðề án cấm, hạn chế hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển Việt Nam nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản, hiện ngành nông nghiệp đã giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho 28 tỉnh, thành phố ven biển theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017. Tình trạng tàu đi khai thác trái phép thủy sản tại vùng biển nước ngoài đã giảm đáng kể; nghề cá đang chuyển dần từ quy mô nhỏ lên hiện đại, có trách nhiệm; hình thành các tổ đội, nghiệp đoàn, hợp tác xã khai thác thủy sản. Có sự phối hợp với các doanh nghiệp chế biến làm nòng cốt trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân.

Một giải pháp quan trọng nữa là tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 30-7-2014 của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Kiện toàn lực lượng kiểm ngư, thống nhất hoạt động của lực lượng kiểm ngư/thanh tra thủy sản từ trung ương đến địa phương; đầu tư xây dựng lực lượng hiện đại, tinh nhuệ, sẵn sàng làm nhiệm vụ trên các vùng biển Việt Nam.

Mới đây, ngày 21-4-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi được quy hoạch gồm các thủy vực thuộc vùng nội địa và vùng biển, hải đảo trên lãnh thổ Việt Nam. Ðối tượng của quy hoạch là khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác có thời hạn, khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản; sản lượng khai thác, cơ cấu tàu cá, đối tượng khai thác, lao động, hạ tầng phục vụ khai thác thủy sản…

Ðộng thái này được kỳ vọng sẽ tạo một bước ngoặt mới, quan trọng trong lĩnh vực khai thác, bảo tồn nguồn lợi thủy sản của đất nước trước mắt và lâu dài.

Tâm Thời

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/44372602-bao-ve-nuoi-duong-nguon-loi-thuy-san.html