Bảo vệ quốc gia khỏi dịch Covid-19, Triều Tiên sẽ quay lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa?

Việc Triều Tiên đóng cửa biên giới với Trung Quốc để chống chọi với dịch COVID-19 sẽ làm ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế nước này và buộc Chủ tịch Kim Jong-un nghĩ đến với quay trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa với Tổng thống Donald Trump.

Thủ tướng Triều Tiên Kim Jae-ryong trong một cuộc họp cùng các quan chức.

Theo truyền thông Hàn Quốc, Triều Tiên thông báo chưa ghi nhận ca nhiễm virus corona (Covid-19) nào tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, dư luận quốc tế không khỏi hoài nghi bởi nước này có biên giới giáp Trung Quốc. Thêm vào đó, Trung Quốc là con đường sống duy nhất của Triều Tiên trong bối cảnh nước này bị cộng đồng quốc tế cấm vận, cô lập.

Phòng dịch tốt hay yếu?

Trình độ, hạ tầng y tế và công tác phòng dịch của Triều Tiên được cho là còn nhiều yếu kém. Tất nhiên, có thể nói Triều Tiên có những "điểm mạnh" nhất định để phòng ngừa dịch bệnh. Bởi Triều Tiên là một xã hội khép kín nên dễ dàng đưa ra các biện pháp phong tỏa, hạn chế di chuyển đối với người dân.

Đặc biệt, Triều Tiên hầu như không có đường bay thẳng quốc tế nên chỉ cần thiết lập mạng lưới phòng dịch với các tuyến đường đến Trung Quốc và đóng cửa biên giới là có thể kiểm soát con đường xâm nhập của dịch bệnh.

Ngoài ra, do truyền thông khép kín nên dù có bệnh nhân hoặc trường hợp nghi nhiễm, nước này vẫn có thể nói là không có. Văn phòng FAO tại Bình Nhưỡng nghi ngờ báo cáo của Triều Tiên, song không đưa ra căn cứ cụ thể. Mặc dù vậy, do đã có nhiều ý kiến nghi ngờ từ trước đó nên lập trường của FAO là có thể hiểu được.

Triều Tiên hết sức lo ngại về Covid-19 nên đang dốc toàn lực để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong nước. Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 29/1 nhấn mạnh phòng ngừa dịch là vấn đề liên quan tới "sự tồn vong quốc gia". Điều này cho thấy Triều Tiên coi dịch bệnh là một mối đe dọa lớn.

Quyết liệt vì sự tồn vong quốc gia

Trên thực tế, nước này đã thực thi các biện pháp phòng dịch hết sức quyết liệt, như phong tỏa biên giới Trung-Triều, cấm khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh. Tất cả các khách du lịch nước ngoài nhập cảnh đều phải cách ly trong vòng một tháng.

Việc Triều Tiên coi công tác phòng dịch Covid-19 là vấn đề liên quan tới sự tồn vong quốc gia mang nhiều ý nghĩa. Về mặt kinh tế, nước này gần như phụ thuộc tuyệt đối vào Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, việc phong tỏa biên giới, chặn giao lưu Trung-Triều sẽ khiến Triều Tiên không tránh khỏi thiệt hại lớn về kinh tế. Trung Quốc đang dốc toàn lực đối phó với dịch bệnh nên sẽ khó lòng viện trợ chính thức hoặc không chính thức cho Triều Tiên.

Đời sống kinh tế của người dân đang bị ảnh hưởng vô cùng lớn do phụ thuộc nhiều vào hàng hóa nhập từ Trung Quốc bày bán ở các khu chợ trong nước. Việc chính quyền Bình Nhưỡng đóng cửa biên giới với Trung Quốc đã khiến mạng lưới lưu thông hàng hóa này sụp đổ, giá cả tại các khu chợ tăng vọt, đời sống người dân lao đao, nguy cơ dẫn tới khủng hoảng kinh tế, từ đó, có thể tác động không tốt đến nền tảng quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Một số ý kiến nhận định tình hình hiện nay có thể sẽ trở thành sức ép khiến Triều Tiên quay lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa nhằm giảm bớt các lệnh trừng phạt.

Trong một diễn biến khác, theo Reuters người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói rằng Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc dịch Covid-19 có thể nổ ra ở Triều Tiên và sẵn sàng cùng các tổ chức quốc tế tạo điều kiện giúp đỡ quốc gia này trong trường hợp đó xảy ra.

Trước đó, Liên hiệp các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) cho hay việc miễn trừ trừng phạt sẽ cho phép chuyển khoản ngân hàng đến Văn phòng tổ chức này ở Triều Tiên và là biện pháp cần thiết. IFRA cho rằng Triều Tiên cần các thiết bị bảo vệ cá nhân và bộ dụng cụ kiểm tra để đề phòng cho một đợt bùng phát dịch có thể xảy ra. Theo IFRC, chi nhánh ở Triều Tiên của tổ chức này đã huy động 500 tình nguyện viên hỗ trợ Triều Tiên trong chống dịch Covid-19. IFRC là tổ chức viện trợ duy nhất có quyền tiếp cận vào 4 tỉnh Triều Tiên, giáp ranh với biên giới Trung Quốc.

QT.

(theo Bloomberg, Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-ve-quoc-gia-khoi-dich-covid-19-trieu-tien-se-quay-lai-ban-dam-phan-phi-hat-nhan-hoa-109518.html