Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng

Đội Quản lý thị trường số 5 đã góp phần tích cực trong việc phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất - kinh doanh bánh ngọt trên địa bàn thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ).

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất - kinh doanh bánh ngọt trên địa bàn thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ).

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu. Thời điểm này, các cửa hàng trên địa bàn huyện Đại Từ đã bày bán khá nhiều loại bánh, đồ chơi trẻ em... Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đây cũng là thời điểm một số cơ sở lợi dụng để trà trộn các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng để bán cho người tiêu dùng nhằm trục lợi.

Trong số 3 địa phương do Đội QLTT số 5 quản lý, huyện Đại Từ có thị trường hàng hóa với nhiều biến động hơn cả, do địa bàn rộng, dân cư đông, có nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua. Để ngăn chặn tình trạng trên, Đội QLTT số 5 đã và đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm.

Cùng đi với Đoàn liên ngành của huyện Đại Từ, do lực lượng QLTT chủ trì, kiểm tra một số cơ sở sản xuất - kinh doanh bánh Trung thu trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy hoạt động kiểm tra tập trung rất kỹ vào nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, sử dụng phụ gia, bao bì, ghi nhãn sản phẩm, các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm...

Chị Trần Thị Hà, chủ hộ sản xuất - kinh doanh bánh ngọt Lực Hà, ở thị trấn Hùng Sơn, cho hay: Trung thu năm nay, chúng tôi dự kiến sản xuất khoảng 3.000 chiếc bánh các loại, tăng hơn so với năm ngoái. Được cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, chúng tôi luôn tuân thủ để giữ vững uy tín và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Từ nhân tới vỏ bánh đều do cửa hàng tự sản xuất, với nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng.

Ngoài thực phẩm, Đội QLTT số 5 cũng tập trung kiểm tra các mặt hàng đồ chơi trẻ em, nhất là các mặt hàng đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những nơi kinh doanh đồ chơi độc hại, có tính chất kích động bạo lực…

Theo thống kê, Đội QLTT số 5 hiện quản lý gần 3.000 cơ sở sản xuất - kinh doanh tại 3 huyện Đại Từ, Định Hóa và Phú Lương. Từ đầu năm đến nay, Đội đã tiến hành kiểm tra 190 vụ, xử lý 173 vụ, với tổng số tiền xử phạt hành chính, nộp ngân sách Nhà nước là gần 745 triệu đồng.

Ông Phạm Duy Bình, Đội trưởng Đội QLTT số 5, cho biết: Trong những tháng đầu năm nay, số trường hợp vi phạm bị xử lý giảm, song trị giá hàng hóa tịch thu và số tiền phạt vi phạm hành chính lại tăng so với cùng kỳ năm trước. Các vụ việc bị xử lý chủ yếu là những hành vi vi phạm, như: kinh doanh hàng hóa nhập lậu, vi phạm về giá, vi phạm an toàn thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ…

Theo ông Bình, để siết chặt thị trường, lực lượng QLTT đã mở các đợt kiểm theo chuyên đề, kiểm tra đột xuất nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ…. Ngoài hoạt động kiểm tra độc lập, Đội QLTT số 5 còn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng khác tăng cường kiểm tra trên toàn địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế, công tác QLTT tại các địa phương cũng còn một số khó khăn, đó là địa bàn quản lý rộng, địa hình phức tạp, trong khi quân số của đơn vị ít; kinh phí, phương tiện đảm bảo cho việc thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế…

Chính vì vậy, cùng với sự nỗ lực của lực lượng chức năng, cơ quan QLTT khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202309/bao-ve-quyen-loi-chinh-dang-cua-nguoi-tieu-dung-42b5e68/