Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình

Cuốn sách chuyên khảo 'Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình' do Tiến sĩ Đặng Thanh Hoa làm chủ biên là một đóng góp có giá trị ở cả phương diện lý luận và thực tiễn.

Việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó có hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược, được xác định rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Trong bối cảnh đó, việc bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình là hết sức quan trọng, góp phần bảo đảm tính ổn định, an toàn và giảm thiểu chi phí của các giao dịch dân sự, qua đó góp phần bảo đảm thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền.

 Cuốn sách chuyên khảo "Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình" do Tiến sĩ Đặng Thanh Hoa làm chủ biên.

Cuốn sách chuyên khảo "Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình" do Tiến sĩ Đặng Thanh Hoa làm chủ biên.

Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình không phải là vấn đề mới, nhưng luôn mang tính thời sự, phụ thuộc vào thực tiễn sôi động của đời sống kinh tế, xã hội. Ở Việt Nam, chế định bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình đã được hoàn thiện trong Bộ luật Dân sự năm 2015, nhưng việc áp dụng trong từng vụ việc cụ thể trong thực tiễn vẫn có thể còn gây nhiều tranh luận.

Ví dụ, quan điểm và cách tiếp cận xử lý quan hệ dân sự trong các vụ án hình sự trong một số vụ việc, cụ thể là áp dụng Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015 (về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu) và Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm) trong một số trường hợp còn chưa thống nhất.

Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu lý luận và thực tiễn của các khía cạnh pháp lý về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình là hết sức cần thiết, không chỉ cho người nghiên cứu, người học luật mà cả những người làm thực tiễn, như Thẩm phán, Luật sư, Công tố viên, Điều tra viên... và những người tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.

Cuốn sách chuyên khảo Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình do Tiến sĩ Đặng Thanh Hoa làm chủ biên là một đóng góp có giá trị ở cả phương diện lý luận và thực tiễn. Cuốn sách đã phân tích các khía cạnh của việc bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình một cách hợp lý, toàn diện; có so sánh với pháp luật một số nước trên thế giới, xem xét thực tiễn áp dụng tại Việt Nam; từ đó đưa ra một số kiến nghị, đề xuất có giá trị từ nhiều góc độ.

Một trong những thành công của cuốn sách là đã trình bày và đánh giá, phân tích nhiều vụ việc cụ thể ở Việt Nam hết sức ngắn gọn, rõ ràng; từ đó giúp người đọc hiểu rõ hơn việc áp dụng pháp luật cũng như lý luận của vấn đề bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình và rút ra kinh nghiệm cho bản thân.

Với mong muốn tăng cường chất lượng, hiệu quả trong áp dụng, thi hành pháp luật, đẩy mạnh việc nghiên cứu, trao đổi và hoàn thiện pháp luật về chủ đề bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình, tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình. Đây là một tài liệu tham khảo có giá trị cho những người hành nghề luật cũng như người nghiên cứu, người học luật.

Trong giao dịch dân sự, người thứ ba ngay tình được hiểu là người chiếm hữu không có căn cứ pháp lý đối với tài sản nhưng không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật. Theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Dân sự thì quyền lợi của người thứ ba ngay tình được pháp luật bảo vệ trong hai trường hợp.

Thứ nhất, khi giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản giao dịch là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp chủ sở hữu đòi lại tài sản theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, khi người thứ ba ngay tình nhận được bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú

Nguồn Znews: https://znews.vn/bao-ve-quyen-loi-cua-nguoi-thu-ba-ngay-tinh-post1549195.html