Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Thị trường hàng hóa trong thời gian qua biến động mạnh, do tác động của dịch bệnh Covid-19 và tình hình thế giới có nhiều bất ổn, khiến nhiều mặt hàng khan hiếm và tăng giá mạnh, như: vật tư y tế, xăng dầu, vật tư xây dựng, nông nghiệp... Công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại ở tỉnh ta đang được đẩy mạnh, góp phần ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Qua theo dõi bán hàng trên mạng xã hội facebook, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện tài khoản facebook có tên “Pham Duong Vnxk” và tài khoản “Thời trang VNXK H81” có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Xác định địa chỉ, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại tổ 4, phường Quyết Thắng, Thành phố, do bà Phạm Thị Thùy Dương và ông Nguyễn Thanh Hà làm chủ. Đoàn kiểm tra đã phát hiện 35 quần thể thao, 35 chiếc áo thể thao và 29 bộ quần áo thể thao đều mang nhãn hiệu ADIDAS, nhưng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hóa này. Đoàn đã quyết định xử phạt hành chính về hành vi bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đối với bà Phạm Thị Thùy Dương gần 30 triệu đồng và xử phạt đối với ông Nguyễn Thanh Hà gần 26 triệu đồng.
Ngày 22/1, Đoàn kiểm tra của Cục Quản lý thị trường và Công an tỉnh kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh xăng dầu tại bản Búng Diễn, xã Mường Bú, huyện Mường La, do ông Hoàng Văn Chính làm đại diện, đã phát hiện không có giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu. Đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt hành chính gần 70 triệu đồng.
Ngày 26/2, Đội Quản lý thị trường số 2 đã phối hợp với Phòng PC03, Công an tỉnh kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh thuốc tân dược Thùy Linh, tiểu khu 5, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, do ông Trần Văn Hệ làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, quầy thuốc đang bày bán 21 hộp thuốc điều trị Covid -19 nhãn hiệu AP6NAOA loại 10 viên/hộp và 9 lọ thuốc thuốc điều trị Covid -19 nhãn hiệu AP6NAOA dạng bột, trên bao bì in chữ nước ngoài, chủ hộ không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định. Đoàn đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên, hiện đang xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Viết Thông, Cục phó Cục Quản lý thị trường Sơn La, thông tin: Lực lượng Quản lý thị trường Sơn La đang kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm quy định về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa và đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trước tình trạng thị trường xăng dầu liên tục tăng cao, Cục Quản lý thị trường chủ trì phối hợp với Phòng PC03 (Công an tỉnh), Thanh tra Sở Công Thương và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh xăng dầu, không để xảy ra tình trạng găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu...
Từ tháng 11/2021 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 223 vụ, phát hiện, xử lý 144 vụ, xử phạt nộp ngân sách Nhà nước gần 803 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 158 vụ 163 đối tượng vi phạm liên quan đến kinh tế, môi trường, ma túy, xử phạt, nộp ngân sách Nhà nước hơn 253 triệu đồng, khởi tố 5 vụ, 6 đối tượng... Lực lượng Biên phòng tỉnh phát hiện, bắt giữ 9 vụ, 10 đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; phát hiện, ngăn chặn kịp thời 8 đối tượng nhập cảnh trái phép; 6 vụ vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, đã tổ chức phát mại hàng hóa vi phạm nộp ngân sách Nhà nước trên 163 triệu đồng...
Thực tế hiện nay, qua khảo sát phần lớn người tiêu dùng còn khá dễ dãi trong việc đòi hỏi quyền của mình trong tiêu dùng; e ngại phản ánh, khiếu nại tới cơ quan chức năng khi quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại nên càng tạo cơ hội cho hàng hóa kém chất lượng xuất hiện. Nhất là, người tiêu dùng tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa ít tiếp cận được các nguồn thông tin; một số tổ chức, cá nhân kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận, lợi dụng kẽ hở pháp luật để thu lợi bất chính.
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 được Bộ Công Thương phát động với chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng trong các giao dịch trên thị trường. Qua đó kêu gọi các cấp, ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp chung tay bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, môi trường kinh doanh, tiêu dùng an toàn, lành mạnh và bền vững trong thời kỳ “bình thường mới”.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-48643