Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Dù đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc, nhưng tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn phổ biến trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người tiêu dùng. Thành phố Hà Nội đang triển khai các hoạt động để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các bên liên quan trong lĩnh vực này.
Mới đây, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện cơ sở kinh doanh tại phố Trần Cung (quận Bắc Từ Liêm) đang kinh doanh hơn 2.000 tuýp thuốc giả mạo nhãn hiệu MR.DAFLON. Làm việc với cơ quan chức năng, chủ lô hàng giả này đã khai nhận, lô thuốc trên được mua trôi nổi ngoài thị trường để kinh doanh qua các nền tảng xã hội như Facebook và sàn thương mại điện tử Shopee. Chủ cơ sở không có giấy đăng ký lưu hành, không có hóa đơn chứng từ liên quan đến lượng hàng hóa này.
Đây là một vụ việc điển hình cho tình trạng buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng trên thị trường, mà trong đó, người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt hại nặng nhất khi mua, sử dụng các sản phẩm này. Chị Nguyễn Minh Chi (ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Nhiều sản phẩm giả được làm rất công phu, khiến người mua rất khó phân biệt, khi sử dụng mới nhận ra thì cũng đã mua bán xong xuôi rồi”.
Trưng bày hai mẫu xe Cup thật-giả tại phòng trưng bày nhận diện hàng thật-hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của ngành công thương, đại diện hãng Honda Việt Nam cho biết, xe Honda Cup chính hãng có giá khoảng hơn 100 triệu đồng, trong khi các loại xe làm giả, nhái thương hiệu Honda chỉ có giá khoảng 15 triệu đồng. Các phụ tùng lắp ráp xe đều không rõ nguồn gốc và kém chất lượng, có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Đại diện Công ty CP Xuất nhập khẩu Bình Tây-BITEX thì cho biết, hiện trên thị trường, các sản phẩm máy tính cầm tay đang bị làm giả rất nhiều, thay vì ghi tên đầy đủ là CASIO trên bao bì, các sản phẩm làm nhái sẽ ghi CASID. Người tiêu dùng nếu không để ý sẽ bị mua nhầm hàng giả, khi sản phẩm gặp vấn đề thì không được chế độ bảo hành hoặc sửa chữa như với sản phẩm chính hãng.
Sở Công thương cho biết, thời gian qua, các cơ quan quản lý liên tiếp nhận được phản ánh về các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Riêng năm 2022, đường dây nóng là tổng đài 024.1081 đã tiếp nhận và giải đáp gần 14.200 cuộc gọi liên quan đến vấn đề này. Sở Công thương và Cục Quản lý thị trường đã giải quyết kịp thời, thỏa đáng 42 đơn khiếu nại của người tiêu dùng, kiểm tra xử lý 1.530 vụ...
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người tiêu dùng cảm thấy e ngại trong việc khiếu kiện, chưa nắm rõ luật, chưa hiểu hết các quyền lợi của mình hoặc ngại va chạm cho nên không lên tiếng trong những vụ việc bị xâm phạm quyền lợi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp.
Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chính sách bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam hiện nay khá toàn diện, nhưng tình trạng khiếu nại vẫn gia tăng và nhiều vướng mắc chưa được giải quyết triệt để. Một nguyên nhân nữa của tình trạng này là do Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ban hành cách đây 12 năm, trong khi tình hình kinh tế-xã hội đã có nhiều thay đổi với những mô hình kinh doanh mới, nhiều quy định của Luật đã không còn phù hợp với thực tế. Hiện Bộ Công thương đang dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và tiếp nhận các góp ý, chỉnh sửa để có thể trình phê duyệt trong thời gian tới.
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và đưa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản liên quan đi vào cuộc sống, Sở Công thương Hà Nội đang triển khai Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2023 với thông điệp “Thông tin minh bạch-Tiêu dùng an toàn”.
Chương trình sẽ đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hoạt động thiết thực, có tính lan tỏa như mít-tinh hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, Giải chạy “Vì người tiêu dùng”, Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng”, Tuần lễ tri ân người tiêu dùng... Cùng với đó, Sở Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức các lớp tập huấn cho các đối tượng liên quan.
Tổng đài 024.1081 sẽ tiếp tục tư vấn, giải đáp hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong cả năm 2023. Thông qua các hoạt động này, ngành công thương mong muốn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng pháp luật và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người kinh doanh... trong việc bảo đảm các quyền của người tiêu dùng. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, kích thích tiêu dùng và thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-post741232.html