Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử
Ngày 27-3, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phối hợp với Tạp chí Công Thương tổ chức Tọa đàm trực tuyến 'Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam trong tiến trình hội nhập thương mại điện tử quốc tế'.
Tọa đàm diễn ra sau Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng giữa Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương và Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland ngày 25-3.
Tăng trưởng nhanh kèm những thách thức mới
Tại Việt Nam, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, thương mại điện tử duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18-25% mỗi năm. Quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2024 sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…

Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm.
Ông Vũ Văn Trung, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ban chấp hành Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng tình trạng này xuất phát từ cả hai phía. Một phần là do các cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên sàn thương mại điện tử thiếu ý thức, vì mưu cầu lợi ích của mình mà sẵn sàng đưa hàng không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lên sàn thương mại điện tử để thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, người tiêu dùng chưa hiểu biết đầy đủ, không theo kịp những tình hình diễn biến mới xảy ra, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp, cá nhân trục lợi dẫn đến kết quả cuối cùng là người tiêu dùng phải hứng chịu những thiệt hại về vật chất và tinh thần, sức khỏe.
Chia sẻ kinh nghiệm tại Vương quốc Anh, ông Iain Frew, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam cho rằng, sự phát triển của thương mại điện tử đã và đang mang đến một số thách thức cũng như những cơ hội mới, liên quan đến bảo mật dữ liệu, khiếu nại về sản phẩm, lừa đảo trực tuyến...
Về phía Vương quốc Anh, Đạo luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2015 của Vương quốc Anh đã đưa ra các điều khoản mới đặc biệt để giải quyết các vấn đề liên quan đến giao dịch mua bán trực tuyến, qua đó cung cấp một nền tảng vững chắc cho việc bảo vệ người tiêu dùng tại quốc gia này.

Ông Iain Frew, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm.
Liên tục rà soát quy định, kiểm soát những vấn đề phát sinh
Tuy nhiên, theo ông Iain Frew, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, hàng năm, không chỉ có những sản phẩm, dịch vụ mới được cung cấp mà còn có cả nhiều cách thức tiếp cận mới đối với người tiêu dùng. Vì vậy, ông Iain Frew nhấn mạnh việc rà soát hệ thống pháp luật và các quy định sau khi đi vào triển khai là rất quan trọng để xác định được những vấn đề mới phát sinh.
Nêu rõ hơn, Phó chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Nguyễn Quỳnh Anh cho biết, việc hoàn thiện chính sách càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh thương mại điện tử nội địa và thương mại điện tử xuyên biên giới đang phát triển mạnh mẽ, nhiều thách thức đặt ra cho công tác bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trên môi trường mạng. Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã có những điều chỉnh và có những quy định rất chi tiết về nghĩa vụ của từng chủ thể trong tiêu dùng trên không gian mạng, bao gồm cả chủ sàn thương mại điện tử; tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn; và người có sức ảnh hưởng.
Ngày 25-3, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương và Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng.
Thông qua khuôn khổ Biên bản ghi nhớ, Vương quốc Anh sẽ chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn để giúp Việt Nam có thể đưa ra các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng hoặc cách giải quyết các vấn đề phát sinh trên thị trường tiêu dùng, dựa trên kinh nghiệm từ những nơi khác, bao gồm Vương quốc Anh, đồng thời phát triển các lĩnh vực cụ thể để đáp ứng các nhu cầu tương ứng tại Việt Nam. Qua đó, củng cố được lòng tin và tạo ra một môi trường mà mọi người đều cảm thấy tự tin, tự tin khi mua hàng, tự tin khi tạo ra sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm mới, cũng như áp dụng những cách thức mới để mua và bán những sản phẩm đó.