Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước ảnh hưởng dịch Covid-19
Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến tình hình cung ứng, giá cả hàng hóa trên thị trường. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đội quản lý thị trường số 2 (phụ trách địa bàn Mai Sơn - Yên Châu) đã triển khai các giải pháp kiểm tra, giám sát giá cả hàng hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến các khu dân cư, địa bàn vùng sâu, vùng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Huyện Mai Sơn và Yên Châu hiện có trên 1.900 cơ sở kinh doanh. Hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tương đối ổn định, không có biến động lớn, đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt tiêu dùng của nhân dân.
Khảo sát tại một số điểm bán hàng tạp hóa, quầy thuốc, các mặt hàng thiết yếu được bày bán phong phú, dồi dào. Bà Vũ Thị Nga, chủ cửa hàng tạp hóa tại tiểu khu 3, thị trấn Yên Châu, cho biết: Thời điểm này, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm ổn định, không có biến động lớn, không bị tác động nhiều bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Người dân cũng giữ được tâm lý ổn định, không hoang mang tích trữ hàng hóa. Chúng tôi đã chủ động nguồn hàng hóa thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân tại địa phương.
Chị Đào Mỹ Huyền, chủ hiệu thuốc Trường An, tiểu khu 19, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Chúng tôi đã ký cam kết với các cơ quan chức năng bán đúng giá niêm yết, không găm hàng, gom hàng, sử dụng nguồn hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để người dân được biết.
Thực hiện chỉ đạo Cục Quản lý thị trường, Đội quản lý thị trường số 2 đã cử công chức tham gia các đoàn kiểm tra tại chốt kiểm dịch động vật; kiểm tra, kiểm soát theo kế hoạch chuyên đề “Tháng an toàn thực phẩm”; kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán giết mổ trâu, bò. Đồng thời, thành lập các tổ công tác kiểm tra nắm tình hình hoạt động của các cửa hàng tạp hóa, cơ sở kinh doanh vật tư y tế trên địa bàn. Chủ động nhận định, đánh giá thị trường để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ; kịp thời kiểm tra, phát hiện và xử lý cơ sở kinh doanh vi phạm. Chú trọng kiểm tra về lĩnh vực giá, các biểu hiện đầu cơ găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý, không niêm yết công khai giá bán hoặc bán cao hơn giá niêm yết; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, dược phẩm, vật tư y tế...
8 tháng qua, Đội Quản lý thị trường số 2 đã kiểm tra 256 vụ, xử lý 167 vụ vi phạm, thu phạt gần 340 triệu đồng. Bên cạnh đó, đội đã lồng ghép hoạt động tuyên truyền trực tiếp các quy định của pháp luật cho các cơ sở kinh doanh; tổ chức cho 838 cơ sở kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng; không đầu cơ, tăng giá trong thời điểm dịch Covid-19 và đảm bảo nguồn hàng cung ứng, tránh gây hoang mang tâm lý cho người dân. Thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát kết hợp với công tác tuyên truyền đã có những tác động tích cực đến nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng.
Chia sẻ về nhiệm vụ, ông Hà Minh Tôn, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 2, cho biết: Đội tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận, thương mại; tuyên truyền, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá, góp phần ổn định thị trường, tạo niềm tin của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao ý thức, không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái... có như vậy, công tác quản lý thị trường mới đạt hiệu quả.