Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu bằng biện pháp dân sự

Trước yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện, sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và là tài sản có giá trị đặc biệt của cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu bằng biện pháp dân sự thông qua tòa án nhân dân là công cụ hữu hiệu cần được đẩy mạnh thực thi.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm chủ lực của địa phương tại Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2023 ở tỉnh Thừa Thiên – Huế_Ảnh: TTXVN

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm chủ lực của địa phương tại Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2023 ở tỉnh Thừa Thiên – Huế_Ảnh: TTXVN

Biện pháp dân sự là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu

Trong bối cảnh dư địa tăng trưởng dựa vào các nguồn lực lao động giá rẻ và tài nguyên có sẵn ngày càng thu hẹp, việc phát triển kinh tế tri thức dựa vào tài sản trí tuệ góp phần đạt mục tiêu phát triển bền vững của nước ta có vai trò quan trọng. Trước bối cảnh đó, giá trị của hệ thống sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng phụ thuộc nhiều vào cơ chế bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy, khi Luật Sở hữu trí tuệ ra đời vào năm 2005, nước ta đã xây dựng được một khung pháp lý đầy đủ, hoàn thiện, bao gồm các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Việc áp dụng mỗi biện pháp bảo vệ có những đặc thù riêng và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể lựa chọn cho phù hợp để yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền đó.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu bằng biện pháp dân sự thông qua hệ thống tòa án nhân dân không chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhãn hiệu, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy hoạt động sáng tạo của con người, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể kinh tế. Đồng thời, quy định biện pháp dân sự để bảo vệ nhãn hiệu càng chặt chẽ thì càng thu hút sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế quốc gia và hội nhập kinh tế quốc tế.

Bản chất của quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu là quyền tài sản, cũng chính là quyền dân sự, nên khi quyền này bị xâm phạm thì việc bảo vệ bằng biện pháp dân sự do hệ thống tòa án đảm trách là hoàn toàn phù hợp, khắc phục được những hạn chế của các thủ tục hành chính phức tạp, có khả năng áp dụng rộng hơn so với các biện pháp còn lại. Bất cứ khi nào tổ chức, cá nhân nhận thấy quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm phạm đều có quyền yêu cầu tòa án nhân dân can thiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng, người khởi kiện có thể thay đổi yêu cầu trong quá trình giải quyết vụ án hoặc đưa ra những yêu cầu khi khởi kiện. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, việc áp dụng biện pháp dân sự là phương thức duy nhất để giải quyết thỏa đáng vấn đề bồi thường thiệt hại, khắc phục thiệt hại vật chất cho chủ sở hữu, bảo đảm khôi phục tình trạng ban đầu khi quyền sở hữu chưa bị xâm phạm trên cơ sở nguyên tắc chung. Về góc độ thực tiễn, áp dụng biện pháp dân sự trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tại tòa án nhân dân đã thể hiện tính dân chủ, khả năng duy trì và bảo đảm công lý của các thủ tục dân sự so với các biện pháp khác.

Thực trạng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu bằng biện pháp dân sự thông qua tòa án nhân dân ở nước ta hiện nay

Tại Điều 202 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và năm 2022) và Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP, ngày 3-4-2008, của Tòa án Nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Tư pháp, “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại tòa án nhân dân” đã hướng dẫn, giải thích chi tiết, cụ thể những quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu bằng biện pháp dân sự thông qua tòa án nhân dân. Theo đó, để xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu nói riêng, chủ sở hữu có quyền yêu cầu tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau:

Thứ nhất, tòa án buộc người có hành vi xâm phạm chấm dứt ngay hành vi xâm phạm theo yêu cầu của người khởi kiện. Biện pháp này được áp dụng phổ biến so với các biện pháp dân sự khác. Khi phát hiện hành vi xâm phạm hoặc có khả năng xâm phạm quyền của mình, chủ sở hữu quyền đối với nhãn hiệu có thể tự yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền phải chấm dứt hành vi xâm phạm mà không phụ thuộc vào thủ tục của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, do yêu cầu này thường không có tính cưỡng chế đối với người xâm phạm nên chủ sở hữu, người được chủ sở hữu ủy quyền hợp pháp có quyền yêu cầu tòa án buộc bên có hành vi xâm phạm nhãn hiệu phải chấm dứt hành vi xâm phạm đó.

Thứ hai, buộc xin lỗi, cải chính công khai. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu thường bao gồm hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ thể quyền cho hàng hóa, dịch vụ trùng lặp hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu mà không được sự cho phép của chủ thể quyền. Các hành vi này gây ảnh hưởng đến uy tín của nhãn hiệu, tác động xấu đến người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, làm giảm uy tín chủ thể quyền. Trong trường hợp này, chủ thể quyền có thể yêu cầu bên vi phạm xin lỗi, cải chính công khai nhằm khắc phục phần nào những ảnh hưởng xấu do hành vi xâm phạm nhãn hiệu gây nên. Tòa án khi phán quyết sẽ đưa ra quyết định buộc người có hành vi xâm phạm nhãn hiệu phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai đối với chủ thể quyền bị xâm phạm. Xem xét tính chất hành vi xâm phạm, mức độ, hậu quả gây ra; căn cứ các văn bản pháp quy, tòa án quyết định nội dung, thời lượng xin lỗi, cải chính công khai và chi phí thực hiện.

Thứ ba, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Khi người có hành vi xâm phạm không thực hiện nghĩa vụ đối với chủ thể quyền trong trường hợp các bên đã có thỏa thuận trước, tòa án có quyền áp dụng biện pháp buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Xuất phát từ nguyên tắc tự nguyện cam kết, thỏa thuận và nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự được quy định trong Bộ luật Dân sự nên luật pháp Việt Nam tôn trọng sự tự thỏa thuận của các bên. Do đó, nếu bên xâm phạm không tự nguyện thực hiện hoặc thực hiện không đúng, đầy đủ các nghĩa vụ đã thỏa thuận, cam kết trước đó dẫn đến tổn thất, thiệt hại cho chủ thể quyền, thì tòa án buộc bên xâm phạm phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ dân sự theo yêu cầu của chủ thể quyền.

Thứ tư, buộc bồi thường thiệt hại. Vấn đề bồi thường thiệt hại trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu bằng biện pháp dân sự được đặt ra khi hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã gây tổn thất nhất định cho chủ thể quyền mà không thể khôi phục được. Trong trường hợp này, chủ thể có quyền lựa chọn biện pháp để buộc bên xâm phạm phải bồi thường những thiệt hại xảy ra bằng cách thanh toán cho chủ thể quyền giá trị thiệt hại bằng tiền. Trên cơ sở hướng dẫn của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, ngày 8-7-2006, của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tòa án có quyền áp dụng biện pháp buộc bồi thường thiệt hại nếu xác định được có thiệt hại xảy ra; thiệt hại đó do hành vi xâm phạm trái pháp luật gây nên; có mối quan hệ nguyên nhân - kết quả giữa hành vi xâm phạm trái pháp luật với thiệt hại xảy ra và có lỗi của bên xâm phạm. Mức bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 205, Luật Sở hữu trí tuệ, trong trường hợp không xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất thì tòa án có thẩm quyền ấn định mức bồi thường tùy thuộc vào mức độ thiệt hại nhưng không quá 500 triệu đồng và mức bồi thường về tinh thần trong giới hạn từ 5 triệu đến 50 triệu đồng.

Thứ năm, buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền đối với nhãn hiệu. Biện pháp này mang đặc trưng rõ nét nhất trong áp dụng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tại tòa án nhân dân. Đây là biện pháp được bổ sung trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 nhằm phù hợp với quy định tại Điều 46 Hiệp định TRIPS(1), Điều 12 Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

Mặc dù Nhà nước đã ban hành các quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự, tuy nhiên trong thực tiễn, hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu bằng biện pháp dân sự thông qua tòa án vẫn chưa được áp dụng phổ biến và phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Tòa án nhân dân các cấp đã tiến hành xét xử, giải quyết các vụ án liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu nói riêng, nhưng số vụ việc được giải quyết không nhiều. Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, từ năm 2017 đến hết tháng 6-2021, tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh chỉ thụ lý, giải quyết 45 vụ án liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, có 37 vụ án về quyền tác giả và quyền liên quan, 8 vụ án tranh chấp về sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, hợp đồng chuyển giao công nghệ. Về kết quả, tòa án nhân dân cấp huyện ra quyết định đình chỉ giải quyết 19 vụ án; quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự 4 vụ án; mở phiên tòa giải quyết 10 vụ án; tòa án sơ thẩm cấp tỉnh giải quyết 5 vụ án, tòa án cấp cao giải quyết phúc thẩm 4/5 vụ án; các vụ án còn lại đang trong thời hạn quy định của pháp luật tố tụng và đang được các tòa án nghiên cứu, giải quyết(2).

Thực tiễn cho thấy, ngày càng nhiều các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu xảy ra. Song việc áp dụng biện pháp dân sự thông qua hệ thống tòa án chưa phải là một biện pháp thật sự hiệu quả để chủ thể quyền lựa chọn. Điều này xuất phát từ một số hạn chế về quy định cũng như thực tiễn triển khai hoạt động. Cụ thể:

Về trình tự, thủ tục: Để yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, chủ thể quyền cần phải thực hiện các thủ tục theo trình tự phức tạp, thời gian theo đuổi vụ việc thường kéo dài.

Quy định về biện pháp buộc bồi thường thiệt hại: Mặc dù đây là quy định phù hợp vì bản chất của quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu là quyền tài sản, khi có hành vi xâm phạm quyền gây thiệt hại thì cần có đền bù tương đương nhằm bù đắp những thiệt hại cho chủ thể quyền. Tuy nhiên, do nhãn hiệu là một loại tài sản vô hình nên việc xác định thiệt hại trong nhiều trường hợp rất khó khăn. Trong một số trường hợp, bên xâm phạm quyền có thể thu về một khoản lợi nhuận lớn hơn từ hành vi xâm phạm so với mức bồi thường thiệt hại áp dụng. Quy định về mức bồi thường thiệt hại như hiện nay không mang tính răn đe đối với bên xâm phạm quyền, thậm chí bên xâm phạm vẫn cố tình tiếp tục hành vi xâm phạm. Ngoài ra, các kết luận về bồi thường thiệt hại của tòa án thường có giá trị thấp so với thiệt hại thực tế mà chủ thể quyền, bên khởi kiện phải gánh chịu do hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu gây ra.

Công tác thi hành án: Thực thi công tác này sau khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực thi hành (trong trường hợp bên xâm phạm không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ) nhưng tính cưỡng chế không cao, không đủ mạnh để buộc bên có nghĩa vụ phải thi hành nghĩa vụ của mình theo pháp luật.

Đẩy mạnh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu bằng biện pháp dân sự thông qua tòa án nhân dân

Quán triệt Quyết định số 1068/QĐ-TTg, ngày 22-8-2019, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030”, hướng đến hiện thực hóa mục tiêu “hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giảm đáng kể” và “đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ”(3), trong thực tiễn, chúng ta cần phát huy hơn nữa vai trò của biện pháp dân sự thông qua tòa án nhân dân trong việc bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu qua một số giải pháp:

Một là, tiếp tục hoàn thiện các quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, trong đó tập trung vào các quy phạm về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự. Ví dụ như các quy định về xác định mức bồi thường thiệt hại cho chủ thể quyền bị xâm phạm, quy định pháp luật trong trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được điều chỉnh theo hướng nới lỏng hơn về điều kiện được yêu cầu áp dụng, giảm thấp hơn mức tài sản bảo đảm khi yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đơn giản hơn về trình tự, thủ tục; rút ngắn thời gian tố tụng dân sự đối với các vụ việc liên quan đến nhãn hiệu.

Hai là, xây dựng cơ chế phối hợp và hỗ trợ giữa tòa án với cơ quan xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu (Cục Sở hữu trí tuệ) để trao đổi khi tòa án xét xử các vụ án liên quan. Việc trao đổi thông tin sẽ hỗ trợ tòa án ban hành các quyết định xét xử thỏa đáng hơn với các vụ án dân sự liên quan đến nhãn hiệu.

Ba là, nghiên cứu, xây dựng tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ. Giải pháp này đang là yêu cầu cấp bách của chính sách kiện toàn cơ cấu tổ chức hoạt động hệ thống tòa án, là cơ sở thúc đẩy hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia phát triển. Việc thành lập tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ đang là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới và đã thể hiện rõ sự ưu việt trong quá trình áp dụng.

Bốn là, tăng cường các hoạt động thông tin về sở hữu trí tuệ, củng cố và nâng cao vai trò của các hội sở hữu trí tuệ, nâng cao nhận thức xã hội về sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng tạo sự lan tỏa tới người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức liên quan đến bảo vệ sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng.

Năm là, nâng cao năng lực của tòa án trong giải quyết các vụ án dân sự liên quan đến nhãn hiệu, kiện toàn tổ chức của tòa án. Đây là một công việc hết sức quan trọng để bảo đảm tòa án thực hiện tốt nhiệm vụ của mình cũng như tiến tới việc thiết lập tòa án chuyên biệt về sở hữu trí tuệ ở nước ta./.

-----------------------

(1) Hiệp định TRIPS là hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, là một thỏa thuận pháp lý quốc tế giữa tất cả các quốc gia là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

(2) Tòa án nhân dân tối cao: Tài liệu Tọa đàm về “Chia sẻ kinh nghiệm quốc gia và quốc tế trong giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án”, tháng 10-2021

(3) Quyết định số 1068/QĐ-TTg, ngày 22-8-2019, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030”

VŨ THỊ PHƯƠNG GIANG - Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

Theo Tạp chí Cộng Sản

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-doi-voi-nhan-hieu-bang-bien-phap-dan-su-681091.html