Bảo vệ quyền trẻ em thông qua trợ giúp pháp lý

Trẻ em tuổi vị thành niên bị xâm hại, vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng. Những năm qua các tổ chức xã hội, đặc biệt Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý cho trẻ em nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, giúp trẻ được thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp, tránh các nguy cơ bị xâm hại.

Một phiên tòa có trẻ em phạm tội được trợ giúp pháp lý.

Một phiên tòa có trẻ em phạm tội được trợ giúp pháp lý.

Theo thống kê của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, từ năm 2022 đến nay, Trung tâm thụ lý rất nhiều vụ xâm hại trẻ em và vi phạm pháp luật. Từ đầu năm đến nay có 108 trẻ, trong đó trẻ dưới 16 tuổi là 20 em và trên 16 tuổi (từ 16 – 18 tuổi) 88 em. Điều đó cho thấy trẻ vị thành niên bị xâm hại và vi phạm pháp luật gia tăng.

Bà Nguyễn Thị Kiều Châu - Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cho biết, chứng kiến nhiều vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, vi phạm pháp luật, chúng tôi rất buồn lòng. Vì đa phần các em chưa đủ tuổi vị thành niên, nhận thức pháp luật còn non nớt, chưa hiểu được hậu quả của việc gây ra. Nhiều trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả thể xác lẫn tinh thần, dẫn tới mặc cảm, khó hòa nhập cộng đồng. Bởi vậy, những vụ án xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục nói riêng luôn được Trung tâm TGPL quan tâm, theo dõi. Thường xuyên chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, kịp thời phát hiện và cử người thực hiện TGPL, tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em, những người thuộc diện trợ giúp pháp lý miễn phí trong các vụ án.

Một trong những vụ nổi bật, năm 2022 trung tâm trợ giúp pháp lý cho một bé gái tên L (14 tuổi), cư ngụ phường Lạc Đạo bị cưỡng bức bên đường Võ Nguyên Giáp, xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết. L không chỉ thuộc diện được bảo vệ theo Luật Trẻ em mà còn được trợ giúp vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cha mẹ bỏ nhau, em sống với cha - một ngư dân mất sức lao động vì tai nạn lao động trong lúc đi lặn sò cách đây 20 năm. Em nghỉ học đi tìm việc làm thì gặp “yêu râu xanh” quen qua mạng xã hội, đội lốt người tốt nhận giúp đỡ em. Tuy nhiên, xin việc làm chẳng thấy đâu lại thấy rước họa vào thân. Khi tiếp nhận đơn yêu cầu TGPL của cha cháu L, trung tâm đã cử trợ giúp viên pháp lý tham gia ngay từ giai đoạn điều tra, tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu L. Sau thời gian bám sát thông tin, đi thực tế, thu thập thông tin, tài liệu trong quá trình tiến hành xác minh và phối hợp cùng cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cán bộ trung tâm đã hình thành bản luận cứ bảo vệ quyền lợi cho người bị hại. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tham gia bào chữa cho nhiều vụ vi phạm pháp luật liên quan lứa tuổi này. Gần đây nhất là vụ 20 thanh thiếu niên ở Tuy Phong gây rối, đánh trọng thương một người đồng tuổi, với tỷ lệ 35%. Nhờ có sự trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm bào chữa nhiều em nhận mức án treo.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều Châu: “Sau khi tiếp nhận các vụ việc liên quan đến việc bảo vệ trẻ em, chúng tôi gặp gỡ từng trường hợp, thăm hỏi các em, dùng lý và tình phân tích điều hay lẽ phải, xoa dịu nỗi đau của gia đình và các em. Tiếp đó, nhanh chóng làm các thủ tục ngay từ các bước tố tụng ban đầu đến xét xử để bảo vệ quyền và lợi ích cho các em, vạch trần hành vi vi phạm của đối tượng xâm hại trẻ em để họ nhận tội trước pháp luật”.

Chính vì trách nhiệm, sự cảm thông cho những đối tượng yếu thế nên đội ngũ trợ giúp viên pháp lý trên địa bàn tỉnh luôn tiếp nhận, giải quyết kịp thời, nhanh chóng các vụ việc, được người dân tin tưởng. Trung tâm đã thiết lập mạng lưới tại cơ sở bằng cách lập các chi nhánh giúp người dân dễ tiếp cận TGPL. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý thực hiện các kỹ năng TGPL, đặc biệt là kỹ năng TGPL cho trẻ em.

“Trẻ em là đối tượng dễ bị tác động bởi những nguyên nhân khách quan từ xã hội mang lại. Do đó, để giảm thiểu tối đa những vụ việc trẻ em bị xâm hại hay các vụ việc trẻ em có hành vi vi phạm, hằng năm, Trung tâm cũng như Sở Tư pháp đều phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho trẻ em, góp phần trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết để phòng ngừa trước những sự đe dọa của các tệ nạn xã hội, các hành vi xâm hại đến tính mạng, danh dự, sức khỏe của mình. Về lâu dài, chúng tôi sẽ cố gắng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em bằng nhiều hoạt động ý nghĩa và hiệu quả nhất” - bà Châu cho biết thêm.

NINH CHINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bao-ve-quyen-tre-em-thong-qua-tro-giup-phap-ly-122784.html