Bảo vệ quyền trẻ em từ các phiên tòa
Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp Sóc Trăng thực hiện giải quyết các vấn đề về trẻ em thông qua việc giải quyết, xét xử các vụ án có liên quan. Khi đó, hệ thống tòa án hai cấp đã bố trí phòng xét xử thân thiện theo mô hình cải cách tư pháp và tổ chức phiên tòa xét xử kín đối với các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Hơn một năm qua, ở lĩnh vực hình sự, TAND hai cấp đã xét xử 27 trường hợp trẻ em là bị cáo và 30 trẻ em là bị hại. Các tội phạm về xâm hại trẻ em chủ yếu là xâm hại về tình dục, chủ thể xâm hại trong các vụ án đều là nam giới. Kẻ thực hiện những hành vi đồi bại từ tuổi thanh niên đến trung niên và thậm chí có cả người đáng tuổi cha, chú của nạn nhân; trình độ học vấn thấp, am hiểu pháp luật còn hạn chế. Thông thường, họ là những người quen biết, hàng xóm và đau lòng hơn khi họ là những người thân thuộc, họ hàng của bị hại. Loại tội phạm này luôn được xử lý với mức án nghiêm khắc. Còn nạn nhân đều là nữ giới, có độ tuổi từ 5 đến dưới 16 tuổi, thuộc đủ mọi thành phần (học sinh, lao động phổ thông, không nghề nghiệp). Đây là lứa tuổi ngây thơ, thiếu hiểu biết và khả năng tự vệ yếu nên dễ bị dụ dỗ, lợi dụng, xâm hại.
Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng Lê Thanh Vũ cho biết, trong quá trình xét xử, giải quyết các vụ xâm hại trẻ em, TAND hai cấp đã bám sát các nguyên tắc về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân nói chung; bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em gái nói riêng được pháp luật quy định. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, nhằm đảm bảo giải quyết tốt vụ án, nhất là các vụ án trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm. Hầu hết những vụ xâm hại tình dục đều để lại hậu quả rất nặng nề; bị hại không chỉ bị tổn thương về thể chất mà còn luôn sống trong sợ hãi và sự ám ảnh. Đặc biệt, các em gái nhỏ tuổi rất khó hòa nhập lại với cộng đồng, sống biệt lập trong một thế giới riêng. Do vậy, khi xử lý các vụ án xâm hại trẻ em, các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện quy chế phối hợp liên ngành, định kỳ trao đổi, thống nhất những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật. Qua đó, nhằm đảm bảo giải quyết tốt vụ án, tránh tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và đảm bảo việc giải quyết vụ án kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.
Những năm qua, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên thuộc TAND tỉnh đã khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Đối với những vụ án mà bị cáo hoặc người bị hại thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý, tòa án đã thực hiện nghiêm túc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. Trong công tác tổ chức các phiên tòa xét xử các vụ án hình sự về các tội xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái đều được cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo vừa làm rõ các tình tiết của vụ án vừa đảm bảo cả thuần phong mỹ tục, các yếu tố văn hóa; bảo vệ danh dự, phẩm giá của con người và không gây tác động tiêu cực đến tâm lý của bị hại, đặc biệt là các trẻ em.
Tại phiên tòa, bên cạnh việc xét hỏi để làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, xác định sự thật, hội đồng xét xử còn chú trọng công tác giáo dục pháp luật thông qua việc giải thích, phân tích cho các bị cáo và những người tham dự phiên tòa hiểu rõ về hậu quả cũng như những hệ lụy phát sinh từ hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Để những người tham gia phiên tòa nâng cao nhận thức về tác hại của bạo lực tình dục và các hành vi phạm tội tình dục. Đối với hình phạt về tội phạm này, cơ bản đảm bảo nghiêm minh, đúng quy định, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.
Bên cạnh đó, TAND hai cấp đã giải quyết trên 3.000 vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình sơ thẩm có liên quan đến trẻ em, quyền trẻ em. Trước tình hình hôn nhân, gia đình ngày càng tăng và nhiều gia đình đổ vỡ là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tội phạm thuộc nhóm người chưa thành niên, bị hại là người chưa thành niên. Bởi vì con trẻ thiếu sự giáo dục chặt chẽ của gia đình, thiếu tình thương của cha hoặc mẹ và chứng kiến nhiều mâu thuẫn, bạo hành gia đình thường bị ảnh hưởng nhiều về tâm lý.
Đồng chí Lê Thanh Vũ cũng cho biết thêm, TAND hai cấp sẽ tiếp tục tổ chức xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các tội phạm xâm hại trẻ em. Trong các vụ án hình sự có bị cáo, bị hại dưới 18 tuổi xét xử phòng xét xử thân thiện, xét xử kín nhằm bảo đảm quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm của bị hại và không ảnh hưởng đến tâm lý của người chưa thành niên. Khi giải quyết các vụ án hôn nhân, gia đình luôn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp; quyền lợi mọi mặt của người chưa thành niên; xem xét nguyện vọng của trẻ từ đủ 7 tuổi trở lên. Thông qua công tác xét xử, tòa án tăng cường hơn nữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới, về bảo vệ trẻ em và các quy định khác có liên quan nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Trẻ em là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần nên cần phải được ưu tiên, quan tâm, bảo vệ. Làm sao để trẻ được tự do phát triển lành mạnh, học tập, vui chơi và có cơ hội phát triển hết khả năng, tài năng, trí lực, tình cảm trong sáng, bước vào đời với những phẩm chất tốt đẹp. Muốn có được điều đó, đòi hỏi toàn xã hội cần phải chung tay bảo vệ trẻ em để cho những thế hệ tương lai của đất nước được trưởng thành trong một môi trường an toàn, tốt đẹp nhất.