Bảo vệ rừng đặc dụng Tà Xùa

Khu rừng đặc dụng Tà Xùa có tổng diện tích quy hoạch trên 16.673 ha, thuộc địa bàn 3 xã: Háng Đồng (Bắc Yên), Mường Thải và Suối Tọ (Phù Yên). Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt diện tích 15.065 ha. Rừng đặc dụng Tà Xùa là khu hệ sinh thái rừng kín thường xanh núi cao vùng Tây Bắc, có giá trị bảo tồn cao, lưu giữ nhiều loài động, thực vật và nguồn gen quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ. Khu vực này có diện tích rừng tập trung khá lớn, đa dạng về các hệ sinh thái và sinh cảnh, với nhiều kiểu rừng, rất có giá trị về nghiên cứu khoa học.

Lực lượng kiểm lâm và dân quân tuần tra bảo vệ rừng đặc dụng tại bản Chiến, xã Mường Thải (Phù Yên).

Lực lượng kiểm lâm và dân quân tuần tra bảo vệ rừng đặc dụng tại bản Chiến, xã Mường Thải (Phù Yên).

Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Ban quản lý, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tà Xùa, thông tin: Theo thống kê, khu rừng đặc dụng Tà Xùa hiện có 671 loài thực vật, 364 chi và 129 họ thuộc 5 ngành thực vật bậc cao; 58 loài thú, thuộc 23 họ và 9 bộ; 175 loài chim, thuộc 48 họ, 15 bộ; 49 loài bò sát và lưỡng cư. Rừng đặc dụng Tà Xùa có tài nguyên rất phong phú, đóng vai trò quan trọng trong cải thiện môi trường sinh thái, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Đà.

Với vị trí, vai trò hết sức quan trọng, những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng Tà Xùa được đặc biệt quan tâm. Lực lượng kiểm lâm đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn, nhất là những cộng đồng dân cư sống trong vùng lõi khu rừng đặc dụng tích cực tham gia bảo vệ rừng. Tuy nhiên, các xã nằm trong khu rừng đặc dụng Tà Xùa đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhiều cộng đồng dân cư sống trong vùng lõi từ trước khi có quy hoạch rừng đặc dụng, sản xuất của bà con chủ yếu là nương rẫy và sống dựa vào rừng, những năm trước đây, tình trạng khai thác rừng trái phép và săn bắn động vật hoang dã vẫn còn khá phổ biến.

Ông Cầm Đức Tuấn, Trạm trưởng trạm kiểm lâm bản Chiến, xã Mường Thải, cho biết: Những năm gần đây, nhờ có những chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững, người dân đã có ý thức hơn và tích cực tham gia khoanh nuôi bảo vệ rừng. Đặc biệt, những diện tích đặc dụng chủ yếu là rừng già lâu năm, rất thuận lợi cho phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng, được sự hỗ trợ từ chính sách phát triển rừng, bà còn đã đưa vào trồng hàng trăm ha cây sa nhân, thảo quả và các loại cây dược liệu khác, góp phần nâng cao thu nhập từ nghề rừng.

Bên cạnh đó, từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm có gần 13.000 ha rừng đặc dụng Tà Xùa được triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, với tổng kinh phí được chi trả gần 12 tỷ đồng; trong đó 90% số kinh phí được chi cho các cộng đồng nhận khoán hợp đồng bảo vệ rừng đặc dụng. Đây là nguồn kinh phí hết sức quan trọng, góp phần hỗ trợ cộng đồng dân cư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh.

Bản Chiến, xã Mường Thải là một trong những cơ sở làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng. Hiện, bản đang tham gia khoanh nuôi bảo vệ 1.113 ha rừng đặc dụng và quản lý 475 ha rừng sản xuất. Ông Mùi Văn Lãm, Trưởng bản, chia sẻ: Mặc dù đời sống của bà con chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, diện tích lúa ruộng ít, nhưng từ nhiều năm nay, bà con đã biết khai thác lợi thế để có thêm thu nhập từ rừng, từ đó tích tham gia bảo vệ rừng. Rừng đặc dụng thuộc địa bàn bản quản lý còn một số loại gỗ quý hiếm, như sến, táu, dổi, sâng, pơ mu, nên công tác bảo vệ rừng được triển khai triệt để. Tổ bảo vệ PCCCR của bản có 19 thành viên thường xuyên phối hợp với cán bộ kiểm lâm tuần tra, phát hiện và xử lý mọi hành vi xâm hại ngay từ ngoài rừng. Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm, bản được chi trả từ 300-400 triệu đồng dịch vụ môi trường rừng, bản thống nhất chi 30% cho người dân tham gia bảo vệ rừng, 30% xây dựng phúc lợi công cộng và 40% cho công tác quản lý bảo vệ rừng.

Lực lượng kiểm lâm và dân quân phát dọn thực bì PCCCR đặc dụng xã Mường Thải (Phù Yên).

Lực lượng kiểm lâm và dân quân phát dọn thực bì PCCCR đặc dụng xã Mường Thải (Phù Yên).

Giai đoạn từ nay đến năm 2030, với mục tiêu bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và các nguồn gen động, thực vật quý hiếm, góp phần phát huy và khai thác hiệu quả tiềm năng, giá trị của rừng đặc dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Ban quản lý rừng đặc dụng Tà Xùa đang tập trung rà soát các khu vực có mức độ đa dạng sinh học và các loài động thực vật quý hiếm để bố trí lực lượng tuần tra, giám sát, phát hiện kịp thời các hành vi xâm phạm tài nguyên rừng. Thực hiện điều tra, nghiên cứu, kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ kinh phí phục vụ nghiên cứu đa dạng sinh học ở khu rừng đặc dụng.

Ngọc Thuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/bao-ve-rung-dac-dung-ta-xua-41177