Bảo vệ rừng giáp ranh

Những tháng đầu năm, rừng giáp ranh của huyện Ðức Trọng với tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận bị xâm hại nên lực lượng chức năng tăng cường quy chế phối hợp để bảo vệ những cánh rừng.

Lực lượng chức năng đã bắt quả tang nhiều vụ vận chuyển gỗ. Ảnh: H.Yên

Xử lý xe độ chế

Khu vực rừng giáp ranh thuộc huyện Đức Trọng có hệ thực vật chủ yếu là Thông 3 lá và một số loài khác thuộc loài gỗ tạp có giá trị kinh tế không cao; còn các huyện của tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, vùng rừng giáp ranh có hệ thực vật đa dạng phong phú, phân bố loài cây gỗ có giá trị như gỗ Đỏ, Giáng hương, Cẩm lai, Sao, Căm xe… Địa hình khu vực giáp ranh chia cắt mạnh, đồi núi cao hiểm trở. Hệ thống đường giao thông khu vực giáp ranh giữa Đức Trọng và các huyện Bình Thuận, Ninh Thuận có tuyến đường nhựa Thủy điện Đại Ninh nối Quốc lộ 20 và Quốc lộ 1, nhiều tuyến đường liên thôn và nhiều tuyến đường mòn, đường be thông với nhau, tạo điều kiện giao thông đi lại dễ dàng, nhưng đồng thời cũng mở nhiều cửa ngõ xuyên vào rừng để lâm tặc lợi dụng hoạt động khai thác gỗ, phá rừng trái phép. Các đối tượng cư trú tại xã Đà Loan và Ninh Loan thường xuyên thăm dò, nắm bắt thông tin để vào rừng của tỉnh bạn khai thác gỗ trái phép, vận chuyển chủ yếu bằng xe máy cải tiến đưa về địa bàn xã Đà Loan và Ninh Loan tập kết, sau đó bán cho các đầu nậu vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

Trước tình hình phức tạp về vận chuyển lâm sản trái phép bằng xe tự chế, UBND huyện Đức Trọng đã chỉ đạo xử lý thực trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại các địa bàn 5 xã vùng Loan giáp ranh với tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, giao cho ngành Công an và UBND các xã xử lý, tịch thu các phương tiện lưu thông như xe cải tiến, xe mô tô độ chế vận chuyển lâm sản trái phép.

Lực lượng chức năng bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ để điều tra, theo dõi nắm chắc các đối tượng đầu nậu chuyên tổ chức, đầu tư thu mua lâm sản trái phép, xử lý nghiêm các phương tiện độ chế sử dụng vận chuyển lâm sản trái phép. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Lâm Đồng và Bình Thuận, Ninh Thuận tại các huyện giáp ranh tăng cường trao đổi thông tin về diễn biến tình hình vùng giáp ranh kịp thời và chính xác để phục vụ có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng như đối tượng vi phạm, hình thức vi phạm, thời điểm vi phạm, quy luật vi phạm, để các bên chủ động xây dựng phương án phòng ngừa và tổ chức tuần tra, truy quét. Xây dựng kế hoạch phối hợp tại các vùng trọng điểm, kịp thời dập tắt ngay các điểm vi phạm không để lây lan thành điểm nóng.

Ông Nguyễn Văn Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ðức Trọng cho biết, sau hơn một năm triển khai quy chế phối hợp quản lý rừng giáp ranh giữa Lâm Ðồng và tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả tốt.

Chi cục Kiểm lâm, UBND huyện, các xã và các đơn vị chủ rừng vùng giáp ranh đã ký kết và triển khai có hiệu quả Quy chế phối hợp, phương án phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng. Triển khai nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, xử lý các đối tượng vi phạm, phương tiện vi phạm nên tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ lâm sản trái phép vùng giáp ranh giảm nhiều so với các năm trước.

Thường xuyên trao đổi thông tin

Tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất rừng, mở rộng diện tích để lấy đất canh tác nương rẫy vẫn còn xảy ra. Do vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới vẫn còn những diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng các đầu nậu lợi dụng người dân gốc địa phương thuê đi khai thác và sử dụng xe độ chế để vận chuyển lâm sản trái phép. Chính vì vậy, Hạt Kiểm lâm Đức Trọng, Ban QLRPH Tà Năng, Ban QLRPH Đại Ninh đã chủ động trao đổi thông tin với Hạt Kiểm lâm huyện Ninh Sơn và Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Di Linh về tình hình, đối tượng vi phạm để thuận lợi cho việc điều tra, theo dõi và xử lý trên nguyên tắc thông tin kịp thời cho nhau về tình hình an ninh rừng vùng giáp ranh của mỗi bên theo nguyên tắc 2 chiều theo cấp quản lý Nhà nước. Các bên thông tin cho nhau về đối tượng vi phạm để cùng phối hợp trong điều tra, xác minh người vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Bên cạnh đó, công tác giám sát, kiểm tra của lãnh đạo các đơn vị cũng được tăng cường trong việc chỉ đạo kiểm lâm địa bàn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phối hợp với các lực lượng khu vực giáp ranh, thông tin được trao đổi hai chiều giữa hai bên về tình hình thực hiện nhiệm vụ của các kiểm lâm địa bàn trong việc phối hợp các hoạt động bảo vệ rừng tại vùng giáp ranh. Đồng thời, chỉ đạo kiểm lâm địa bàn ở vùng giáp ranh thực hiện tốt nội quy, quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng đã được ký.

Ông Nguyễn Khang Thiên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, trong thời gian qua, việc thực hiện quy chế phối hợp QLBVR được UBND các huyện chỉ đạo quyết liệt, cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng giáp ranh đã tích cực trong việc triển khai nhiệm vụ tại địa phương; các cơ quan, ngành chức năng phối hợp tiếp ứng đồng bộ hơn trong việc thực hiện quy chế, các yêu cầu đề ra trong công tác phối hợp, góp phần giảm mức độ vi phạm tại các vùng giáp ranh; số vụ vi phạm, mức độ thiệt hại giảm so với các năm trước. Việc trao đổi thông tin được thực hiện thường xuyên và chính xác; các bên đã căn cứ vào tình hình cụ thể trên địa bàn từng địa phương để chủ động tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ; đồng thời khi cần thiết thông báo cho các bên tổ chức phối hợp kịp thời. Việc tổ chức các biện pháp phòng ngừa đã được chú trọng, xác định các cửa ngõ trọng điểm nhằm ngăn chặn không cho các phương tiện xuống rừng giáp ranh để khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Khi triển khai, tổ chức thực hiện công tác phối hợp QLBVR giáp ranh phải xác định là nhiệm vụ chung giữa các huyện, không phân biệt địa điểm mỗi bên để tác chiến độc lập mà các bên cần có sự hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện có hiệu quả. Về mạng lưới chế biến gỗ, sản xuất đồ mộc, các bên chủ động kiểm tra thường xuyên trên địa bàn mỗi bên quản lý để ngăn chặn và xử lý kịp thời nguồn lâm sản trái phép, cương quyết đình chỉ thu hồi giấy phép của các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Các đơn vị chủ rừng tích cực phối hợp rà soát diện tích lấn chiếm vùng giáp ranh và đề xuất các biện pháp xử lý ngay từ khi phát hiện, tránh để kéo dài.

HOÀNG YÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/phapluat/201907/bao-ve-rung-giap-ranh-2953213/