Bảo vệ sản xuất nông nghiệp trước bão số 3

31 nghìn ha lúa Mùa, hơn 3 nghìn ha rau màu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có nguy cơ ảnh hưởng do bão số 3. Nếu không bảo vệ được sẽ không hoàn thành mục tiêu kế hoạch sản xuất cả năm.

Trạm bơm dã chiến Hùng Tiến (huyện Kim Sơn) được vận hành tiêu nước đệm trong đồng.

Trạm bơm dã chiến Hùng Tiến (huyện Kim Sơn) được vận hành tiêu nước đệm trong đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện tại, toàn tỉnh có trên 31 nghìn ha lúa. Do ảnh hưởng của mưa lớn đầu vụ, một số diện tích lúa phải gieo cấy lại, lúa phân thành nhiều trà. Thời vụ chậm muộn nên đến nay mới chỉ có 3.600 ha lúa trỗ (chiếm 11,8% tổng diện tích gieo cấy), diện tích lúa đã thu hoạch rất ít, khoảng 115 ha, tập trung ở huyện Nho Quan.

Cùng với lúa, tỉnh cũng đang có gần 3.260 ha cây rau màu các loại, trong đó chủ yếu là ngô, lạc, khoai lang, đậu tương, rau đậu. Về thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng là trên 14 nghìn ha, trong đó thủy sản nước ngọt 11.000 ha, thủy sản mặn lợ 3.366 ha.

Ngành chuyên môn nhận định: Phần lớn diện tích lúa trên địa bàn tỉnh sẽ trỗ tập trung từ 10-15/9/2024, rơi đúng vào thời gian mưa bão nên dễ bị thiệt hại. Ngoài ra, các loại rau màu, nuôi trồng thủy sản và cây ăn trái khác cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu mưa bão kéo dài.

Nông dân huyện Yên Khánh ra đồng khơi thông dòng chảy, kịp thời tiêu úng cho lúa khi có mưa lớn xảy ra.

Nông dân huyện Yên Khánh ra đồng khơi thông dòng chảy, kịp thời tiêu úng cho lúa khi có mưa lớn xảy ra.

Đồng chí Lê Thị Linh, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cho biết: Phần lớn diện tích lúa của huyện đang ở giai đoạn nứt đòng đến trỗ, nếu mưa lớn, nước không tiêu thoát kịp, lúa bị ngập úng lâu trong nước rất dễ bị úng đòng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cuối vụ. Bên cạnh đó, hiện nay huyện có khoảng 600 ha lúa đang ở giai đoạn chắc xanh chuẩn bị thu hoạch nguy cơ ngã đổ cao nếu gặp gió mạnh; 100 ha lạc và ngô mới gieo trồng cần được bảo vệ.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ra công điện về việc tập trung ứng phó. Trong đó, khẩn trương triển khai phương án chống úng, tiêu kiệt nước đệm, đảm bảo an toàn cho lúa Mùa, thủy sản. Đối với diện tích lúa sắp được thu hoạch nếu bị ngã đổ, sau bão sẽ lập tức huy động người dân ra đồng dựng, buộc tránh úng hỏng. Ngoài ra, rà soát diện tích nhà lưới, nhà kính ứng dụng công nghệ cao, chỉ đạo gia cố vững chắc ứng phó với gió lớn.

Đối với huyện ven biển Kim Sơn, do phần lớn lúa mới đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ do vậy nếu mưa bão cũng không quá lo ngại. Tuy nhiên, địa phương này lại có hàng nghìn ha thủy sản mặn, lợ có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn do mưa bão. Thực tế mưa lớn kéo dài sẽ làm thay đổi các yếu tố thủy, lý, hóa môi trường nuôi theo chiều hướng xấu làm thủy sản giảm sức đề kháng và mẫn cảm hơn với các tác nhân gây bệnh sẵn có trong nước.

Anh Đinh Văn Giang, xóm 4, xã Kim Trung (Kim Sơn) chia sẻ: Để ứng phó với mưa bão, đảm bảo an toàn cho 1 ha nuôi tôm của gia đình, tôi đã chằng chống lại hệ thống mái che, kiểm tra lại cống xả tràn cũng như chuẩn bị nguồn nước sạch để thay nước ao nuôi khi cần thiết. Đồng thời rắc vôi quanh bờ ao phòng nước mưa trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi.

Nông dân Nguyễn Văn Đại, xóm 4, xã Kim Hải (huyện Kim Sơn) chằng buộc đường ống nước quanh ao nuôi, bảo đảm an toàn trước gió bão.

Nông dân Nguyễn Văn Đại, xóm 4, xã Kim Hải (huyện Kim Sơn) chằng buộc đường ống nước quanh ao nuôi, bảo đảm an toàn trước gió bão.

Được biết, ứng phó với bão, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh đang vận hành 27 máy bơm tiêu/8 trạm bơm, 44 cống dưới đê, 12 cống hồ nhằm tiêu thoát nước đệm, bảo vệ sản xuất cũng như an toàn công trình hồ đập.

Sở Nông nghiệp và PTNT cũng yêu cầu các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo tiêu nước trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng; khoanh vùng có nguy cơ mưa lũ lớn để có các phương án xử lý nhanh. Rà soát diện tích lúa Mùa, cây trồng màu để đánh giá khả năng chịu úng và chỉ đạo tiêu nước đệm ứng phó với mưa lớn.

Đối với diện tích lúa Mùa sớm đã trỗ, kiểm tra, đánh giá khả năng thu hoạch, khuyến khích người dân thu hoạch nhanh chóng, hạn chế thiệt hại. Chỉ đạo rà soát điều tiết nước trong ruộng hợp lý để thuận lợi cho lúa làm đòng, trỗ bông và ứng phó với bão. Xây dựng các phương án khắc phục, khôi phục sản xuất sau bão.

Đồng thời khuyến cáo với diện tích rau, màu đã đến thời kỳ thu hoạch tập trung nhanh chóng thu hoạch; khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng. Sau khi nước rút cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi; khi đất khô ráo cần xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau. Kết thúc mưa bão rà soát điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Đông 2024, báo cáo Sở trước ngày 15/9/2024.

Đối với lĩnh vực thủy sản, thực hiện kiểm tra, gia cố bờ ao, cống ao, kiểm tra chất lượng nước ao nuôi, chuẩn bị sẵn sàng các phương án xử lý kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lớn gây ra. Đồng thời bảo trì hệ thống máy móc phụ trợ sản xuất: quạt nước, sục khí, máy bơm, máy phát điện… Phát quang cây xanh bờ ao để hạn chế cành, lá cây rơi xuống ao làm ô nhiễm ao nuôi khi có bão lũ, đồng thời phòng khi gió lớn gây đổ cây vỡ bờ ao.

Nông dân nuôi trồng thủy sản huyện Kim Sơn chủ động che bạt các ao nuôi, tránh gió lớn gây thiệt hại.

Nông dân nuôi trồng thủy sản huyện Kim Sơn chủ động che bạt các ao nuôi, tránh gió lớn gây thiệt hại.

Lĩnh vực chăn nuôi, thực hiện gia cố vững chắc chuồng trại để phòng, chống mưa bão. Những nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ, lụt kéo dài cần chuẩn bị phương án di dời đàn vật nuôi đến những nơi an toàn lên những vùng đất cao, làm chuồng che chắn cẩn thận, dự trữ đầy đủ thức ăn và bảo quản thức ăn khô ráo, không bị ẩm mốc, cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi uống.

Sau bão, rà soát điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Đông 2024, chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau. Tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng sinh vật gây hại, đặc biệt là sự bùng phát của sâu bệnh hại trên lúa như: rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn... Sau bão để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh hại gây ra.

Nguyễn Lựu - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/bao-ve-san-xuat-nong-nghiep-truoc-bao-so-3/d2024090708472927.htm