Bảo vệ sức khỏe của Nhân dân là trên hết

Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022 cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18, là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước ta, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân và sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Quyết tâm đưa đất nước trở lại bình thường

Tại Lễ phát động chiến dịch toàn quốc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 vào ngày 10/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định thông điệp, quyết tâm của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể Nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân là trên hết, trước hết và đưa đất nước trở lại bình thường, phát triển theo mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

 Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đại diện Tập đoàn THACO trao tặng 63 xe vận chuyển vắc xin và 63 xe tiêm lưu động cho Bộ Y tế

Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đại diện Tập đoàn THACO trao tặng 63 xe vận chuyển vắc xin và 63 xe tiêm lưu động cho Bộ Y tế

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, không chỉ đất nước chúng ta, mà cả thế giới không thể lường trước diễn biến khốc liệt, khó lường của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây nhiễm nhanh, mạnh và gia tăng độ phức tạp, khó lường, khó dự báo hơn. Vắc xin được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống đại dịch Covid-19. Ngay từ khi đại dịch xuất hiện, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan, tổ chức liên quan đã bám sát tình hình dịch bệnh, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời với các giải pháp phù hợp và linh hoạt, sáng tạo để kiểm soát dịch bệnh. Chính vì vậy, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới vừa chống dịch hiệu quả vừa có tăng trưởng kinh tế dương kể từ khi có đại dịch đến nay. Với tầm nhìn xa và tìm giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm để thực hiện chiến lược vắc xin.

Mọi người đều bình đẳng trong tiếp cận vắc xin

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã tập trung tổng hợp nhiều biện pháp như tăng cường đàm phán, ngoại giao, huy động tài chính để thực hiện chiến lược vắc xin. Đặc biệt, sự ra đời của Quỹ vắc xin đã nhận được sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân ở trong và ngoài nước, của các doanh nghiệp thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc chống đại dịch. Tính đến ngày 10/7, Quỹ vắc xin đã nhận được hơn 8.000 tỷ đồng và đang sử dụng để mua vắc xin phục vụ Nhân dân.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam về vấn đề vắc xin tại Việt Nam. Ảnh tư liệu

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam về vấn đề vắc xin tại Việt Nam. Ảnh tư liệu

Theo Thủ tướng, việc sử dụng vắc xin trong thời gian qua đã nhận được sự đồng lòng, chia sẻ của Nhân dân. Những liều vắc xin đầu tiên về Việt Nam được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Vắc xin được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. Mục tiêu của chiến lược vắc xin là tiêm miễn phí hằng năm cho Nhân dân để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng trên cả nước. Để đạt mục tiêu đó, chúng ta phải thực hiện được việc có đủ vắc xin cho Nhân dân từ nguồn nhập khẩu và tự sản xuất trong nước. Mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vắc xin.

Thủ tướng yêu cầu, khi đã có vắc xin, phải thực hiện tiêm chủng miễn phí cho Nhân dân bảo đảm kịp thời, an toàn và hiệu quả. Mấy tháng vừa qua là giai đoạn khởi đầu tích lũy và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để triển khai tiêm chủng trên diện rộng. Người đứng đầu Nhà nước khẳng định, để thực hiện chiến lược vắc xin, chăm lo dài hạn cho sức khỏe của Nhân dân, Đảng và Nhà nước sẽ thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sản xuất trong nước và nhập khẩu để có đủ nguồn vắc xin hàng năm.

Tiêm đến đâu an toàn đến đó

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, sau nhiều nỗ lực, Việt Nam có được 105 triệu liều vắc xin trong năm 2021 và tiến tới đạt 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Riêng trong tháng 7/2021, hơn 8 triệu liều vắc xin được chuyển cho Việt Nam, đúng vào thời điểm dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam.

 Thủ tướng động viên đội ngũ y bác sĩ làm công tác xét nghiệm - những người đi đầu trong cuộc chiến chống dịch. Ảnh tư liệu

Thủ tướng động viên đội ngũ y bác sĩ làm công tác xét nghiệm - những người đi đầu trong cuộc chiến chống dịch. Ảnh tư liệu

Theo Bộ Y tế, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 được thực hiện với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, “không bỏ phí bất cứ một liều vắc xin nào” và “không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 của Việt Nam”.

Chiến dịch triển khai trên quan điểm thống nhất “tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, bảo đảm an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai”. Chiến dịch được thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Thông tin - Truyền thông và Giao thông - Vận tải...

Đồng thời, chiến dịch huy động tổng lực các lực lượng với hàng chục ngàn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước từ trung ương và địa phương, gồm cả lực lượng dân y và quân y, cả công lập và tư nhân. Chiến dịch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng với việc đưa vào sử dụng sổ sức khỏe điện tử để quản lý quá trình tiêm chủng của từng người dân.

Hoài Anh

1,123

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/chinh-tri/bao-ve-suc-khoe-cua-nhan-dan-la-tren-het-87621.html