Bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng

Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng gay gắt đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người cao tuổi, trẻ em. Để phòng ngừa những bệnh lý nguy hiểm, phòng tránh bệnh tật do tác động của nắng nóng gây ra, người cao tuổi, trẻ em cần được chăm sóc tốt.

Khám bệnh cho người lớn tuổi tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Tân Uyên

Khám bệnh cho người lớn tuổi tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Tân Uyên

Người cao tuổi, trẻ em đổ bệnh

Trung tâm Y tế TP.Tân Uyên vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.S., 70 tuổi, ở phường Uyên Hưng bị khó thở kèm sốt vì nắng nóng. Uống thuốc bên ngoài không hết, bà S. luôn trong tình trạng mệt mỏi, thở khó, ăn uống kém. Bác sĩ chẩn đoán bà S. bị viêm phổi cấp, phải nhập viện thở ô xy. Qua khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ được biết những ngày qua thời tiết nắng nóng nên bà S. thường xuyên đi tắm gội. Tóc chưa kịp khô, bà S. đã vào phòng máy lạnh nên bị nhiễm bệnh.

Hay như trường hợp của một bệnh nhân nam 71 tuổi ở phường Khánh Bình. Trời nắng nóng khiến ông khó thở, cứ đêm xuống là ông ho liên tục từng cơn, kéo dài. Bác sĩ Trung tâm Y tế TP.Tân Uyên yêu cầu ông phải nhập viện bởi ông bị viêm phế quản trên nền bệnh hen suyễn, tăng huyết áp, hở van tim cần phun khí dung để cắt cơn ho.

Đây là 2 trường hợp trong số rất nhiều trường hợp phải nhập viện vì nắng nóng. Những ngày qua, thời tiết nắng nóng gay gắt khiến người lớn tuổi nhập viện điều trị tăng cao. Bác sĩ Trần Thị Mai Trinh, Trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ, Trung tâm Y tế TP.Tân Uyên, cho biết: “Những ngày qua, bệnh nhân đến trung tâm khám bệnh rất đông, đặc biệt là người lớn tuổi tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận từ 350-450 bệnh nhân đến khám ngoại trú, chưa kể bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú. Phần lớn bệnh nhân là người cao tuổi, mắc các bệnh lý như tai biến, tim mạch, tăng huyết áp, đường hô hấp… Thời tiết nắng nóng gây trở ngại lớn với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch, huyết áp, đái tháo đường. Đặc biệt, người cao tuổi dễ mắc các bệnh lý hô hấp như viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm phổi, viêm phế quản”.

Cùng với việc gia tăng số bệnh nhân lớn tuổi tại các bệnh viện, trung tâm y tế thì trẻ em khám ngoại trú và nhập viện có xu hướng tăng cao hơn so với bình thường. Điển hình là bệnh viêm phổi thùy, viêm phế quản phổi có suy hô hấp phải thở ô xy, viêm tiểu phế quản…

Phòng bệnh mùa nắng nóng

Nói về nguyên nhân phát bệnh trong mùa nắng nóng, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi, phát triển và gây ra một số bệnh như: Cảm nắng, say nắng, bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, đột quỵ, viêm da. Thời tiết nóng nực, người cao tuổi, người lao động nặng nhọc bị tác động nhiều nhất, làm cho các bệnh lý vốn có càng trầm trọng hơn; đặc biệt những người già có bệnh lý về hô hấp, phế quản mãn tính thì thời tiết nắng nóng càng dễ khởi phát bệnh. Đáng lưu ý là ở người cao tuổi, biểu hiện bệnh thường rất mờ nhạt, khó nhận diện nên nhiều gia đình và ngay cả bệnh nhân thường hay chủ quan, bỏ qua triệu chứng nhẹ. Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân cao tuổi nhập viện thì đã viêm phổi, cộng thêm bệnh mãn tính tuổi già, rất nguy hiểm.

Một thói quen rất nguy hiểm của nhiều gia đình là thường sử dụng điều hòa để hạ nhiệt độ dẫn đến sự chênh lệch nhiệt độ bên ngoài và trong phòng nên khi bước từ phòng lạnh ra trời nắng khiến thân nhiệt thay đổi đột ngột dẫn đến bị choáng, sốc nhiệt hoặc cảm nắng. Ngoài ra, thói quen sử dụng quạt lớn, ăn đồ lạnh khi trời nắng nóng cũng rất nguy hiểm, là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh đường hô hấp ở trẻ nhỏ.

Để dự phòng các bệnh trong mùa nắng nóng, ngành y tế tỉnh khuyến cáo người già cần phải uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung các loại trái cây để tăng cường sức đề kháng và luyện tập thể dục điều độ. Đặc biệt, người cao tuổi cần tránh ánh nắng trong khoảng từ 10 giờ - 16 giờ bởi đây là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao. Nhiệt độ trong phòng điều hòa và ngoài trời không được để chênh lệch quá lớn, tốt nhất nên bật ở mức từ 25 - 27 độ. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh, bởi dùng kháng sinh không đúng chỉ định, bệnh không những không khỏi mà còn dẫn đến tình trạng bị kháng tất cả các loại kháng sinh, cơ hội chữa trị rất mong manh.

Nắng nóng, trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh như: Tiêu chảy, ngộ độc thức ăn, nhiễm siêu vi, viêm não Nhật Bản B, bệnh tay chân miệng, rôm sảy hay say nắng nếu chơi ở ngoài nắng nóng quá lâu, cơ thể trẻ bị mất nước, muối khoáng qua bài tiết mồ hôi trên da, hơi thở. Để phòng bệnh cho trẻ mùa nắng nóng, ngành y tế tỉnh khuyến cáo phụ huynh cần chú ý tạo cho trẻ thói quen vệ sinh cá nhân tốt, ăn uống hợp vệ sinh, tăng cường các loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin (các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi để nguội...) và tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch.

KIM HÀ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/bao-ve-suc-khoe-mua-nang-nong-a318640.html