Bảo vệ sức khỏe người cao tuổi khi thời tiết chuyển lạnh
Hiện thời tiết chuyển lạnh, rét đậm vào sáng sớm và buổi tối, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người cao tuổi.
Thời điểm này, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đón nhiều bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh lý cơ xương khớp đến điều trị. Bà Phùng Thị Cúc (xã Thẩm Dương, huyện Văn Bàn) bị viêm đa khớp, thời tiết lạnh khiến bà đau nhiều hơn nên đã nhập viện điều trị. Bà Cúc cho biết: Tôi bị đau xương khớp nên khi thời tiết chuyển lạnh, các triệu chứng lại nặng hơn. Cơn đau khiến tôi di chuyển, vận động khó khăn. Nhờ đến bệnh viện điều trị kịp thời mà các triệu chứng đã giảm.
Bác sỹ Lê Hải Vân (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) cho biết: Với người cao tuổi mắc bệnh lý cơ xương khớp, không khí lạnh xâm nhập vào cơ thể dễ dẫn đến khí huyết, kinh mạch kém lưu thông, làm cho tình trạng bệnh dễ tái phát. Người cao tuổi nên giữ ấm cơ thể, hạn chế ra ngoài khi trời lạnh để tránh các triệu chứng của bệnh lý cơ xương khớp có thể xảy ra.
Chức năng vận động, trao đổi chất ở người cao tuổi đã suy giảm nhiều nên chế độ ăn rất quan trọng. Người cao tuổi nên ăn thức ăn có nhiều canxi, các loại hạt, bổ sung Omega 3 từ cá. Bên cạnh đó, người cao tuổi không nên tập các môn thể thao cường độ mạnh, có thể tập các động tác yoga nhẹ nhàng, đi bộ, tập khí công dưỡng sinh... giúp tinh thần thoải mái, cơ xương khớp vận động linh hoạt.
Hiện nay, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh triển khai điều trị bệnh lý cơ xương với nhiều phương pháp như châm cứu, điện châm, điện châm không dùng kim, xoa bóp, bấm huyệt, ngâm thuốc, chườm ngải... Đây là những biện pháp an toàn, hiệu quả và ít xâm lấn, hoặc dùng các bài thuốc dựa trên thể trạng, thể bệnh. Việc sử dụng thuốc đông y cũng trở nên dễ dàng khi thuốc sắc sẵn, đóng túi và trao đến người bệnh.
Bên cạnh bệnh về cơ xương khớp thì người cao tuổi mắc các bệnh tim mạch cũng cần chú ý chăm sóc sức khỏe khi thời tiết chuyển lạnh. Bà Phạm Thị Trà (tổ 31, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai) bị tăng huyết áp, do vậy những ngày lạnh, bà luôn chủ động bảo vệ sức khỏe. Bà Trà cho biết: Buổi sáng thường ngày, tôi thức dậy lúc 6 giờ, sau đó đi bộ quanh khu phố. Tuy nhiên, những ngày rét, tôi dậy muộn hơn và chỉ tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà. Tôi cũng uống thuốc hạ huyết áp hằng ngày theo tư vấn của bác sỹ. Mỗi tháng tôi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ 1 lần để sớm phát hiện bệnh lý.
Ngoài ra, khi thời tiết trở lạnh, người cao tuổi dễ mắc các bệnh như cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi, đột quỵ… Người cao tuổi có thể phòng bệnh chủ động bằng việc tiêm vắc-xin phòng cúm và giữ thói quen sinh hoạt lành mạnh. Cùng với đó, cần hạn chế ra ngoài trong khoảng thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, đồng thời giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng đầu, tay, chân. Người cao tuổi cũng nên tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, không nên uống rượu, bia, bởi rượu, bia sẽ làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, dẫn tới đột quỵ. Người cao tuổi mắc bệnh tim mạch nên mặc nhiều lớp áo để giữ ấm và cần được đo, theo dõi huyết áp định kỳ, nếu có dấu hiệu bất thường như nói khó, mất thị lực thoáng qua... phải đến cơ sở y tế để được bác sỹ thăm khám, điều trị, tránh bị đột quỵ. Trong những gia đình có người cao tuổi, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ chất, sử dụng thức ăn mềm, dễ tiêu và đảm bảo nhiệt độ phòng ngủ ấm áp, kín gió...