Bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ trước bệnh truyền nhiễm
Những ngày gần đây, tỷ lệ trẻ bị mắc các bệnh tiêu chảy cấp gia tăng. Phụ huynh không nên tự ý cho trẻ điều trị tại nhà mà cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.
Bé Nguyễn Khánh L., con chị Phạm Thị Hương, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) bị sốt cao, nôn nhiều, chị vội vàng đưa con đến bệnh viện. Bác sỹ chẩn đoán con chị bị tiêu chảy cấp. Chị Hương cho biết: Sau khi được các bác sỹ điều trị, chăm sóc, sức khỏe của con đã tốt hơn.
Chị Nguyễn Mai Anh, phường Lào Cai (thành phố Lào Cai) vất vả chăm 2 con bị tiêu chảy cấp. Chị Mai Anh tâm sự: Ban đầu, con út có dấu hiệu nôn và đi ngoài, tôi cho con đi khám ở phòng khám và được bác sỹ kê thuốc, tư vấn điều trị tại nhà, sau đó con lớn cũng bị lây nhiễm. Các con đều rất mệt mỏi do tiêu chảy nhiều lần. Rất may, sau đợt điều trị, sức khỏe các con đã ổn định trở lại.
Bệnh tiêu chảy ở trẻ do nhiều nguyên nhân như vi rút, vi khuẩn, hoặc đồ ăn bị nhiễm khuẩn... Khi mắc bệnh, trẻ có những triệu chứng ban đầu là nôn nhiều, đau bụng, sau đó tiêu chảy liên tục. Trẻ bị nôn và tiêu chảy sẽ gây mất nước, đặc biệt khi mất nước nặng có thể gây rối loạn điện giải, thậm chí tử vong.
Thông thường, trẻ khởi phát bệnh với triệu chứng nôn và sốt, sau đó tiêu chảy nhiều lần trong ngày, có thể kéo dài 5 - 7 ngày hoặc có thể lâu hơn tùy nguyên nhân. Tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh hiện có khoảng 30 bệnh nhi đang điều trị triệu chứng nôn và tiêu chảy. Bác sỹ Hoàng Tùng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho biết: Để phòng, chống bệnh tiêu chảy, cha mẹ cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ bằng cách rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, khi trẻ có dấu hiệu bị tiêu chảy cấp, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Cha mẹ nên tìm hiểu thông tin và đưa trẻ đến trung tâm y tế hoặc các phòng tiêm chủng dịch vụ để sử dụng vắc-xin ngừa vi rút Rota - một trong những nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy. Theo khuyến cáo, trẻ cần được uống liều vắc-xin thứ nhất trước 15 tuần tuổi và liều cuối cùng trước 8 tháng tuổi.
Hiện nay, thời tiết diễn biến thất thường nên nhiều trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, viêm họng cấp hoặc một số bệnh truyền nhiễm khác. Cha mẹ cần chú ý chăm sóc, bổ sung chất dinh dưỡng để trẻ tăng cường sức đề kháng trước các tác nhân gây bệnh.
Bên cạnh việc phòng các bệnh truyền nhiễm thường gặp, cha mẹ cũng cần chú trọng phòng Covid-19 cho trẻ, tránh để trẻ nhiễm hoặc tái nhiễm Covid-19. Theo bác sỹ Hoàng Tùng, trẻ bị tái nhiễm Covid-19 do vi rút tự biến chủng, dẫn đến miễn dịch của chủng cũ sẽ không có tác dụng với chủng mới. Ví dụ như một người có thể nhiễm chủng Delta hoặc Omicron, thậm chí tái nhiễm chủng Omicron giữa biến chủng BA.1 và BA.2. Hiện nay, chủng Omicron đang có biến chủng mới là XE và XD, đây là sản phẩm của 2 biến chủng BA.1 và BA.2.
Trẻ bị tái nhiễm vẫn có các triệu chứng giống lần đầu như ho, sốt, mệt mỏi… có thể nhẹ hoặc nặng tùy vào từng người. Đặc biệt, trẻ em hệ miễn dịch còn yếu, ý thức tự bảo vệ không được như người lớn nên khả năng tái nhiễm cao hơn. Với trẻ có tiền sử đẻ non, cân nặng thấp hoặc béo phì, thừa cân, đang mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa, ung thư, tim mạch, thần kinh, gan, thận mạn tính, suy giảm miễn dịch, bệnh hệ thống sẽ có nguy cơ diễn biến nặng hơn. Cha mẹ cần thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho con, chuẩn bị khẩu trang, bình dựng nước riêng. Đặc biệt, trẻ nên được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 để có kháng thể phòng dịch chủ động; bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất...