Bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản
Tỉnh Sơn La có hơn 23.000 ha mặt nước thuộc các lòng hồ thủy điện. Để khai thác hiệu quả tiềm năng, quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, tỉnh ta đã quan tâm đến công tác quy hoạch, có những chính sách khuyến khích phát triển thủy sản; bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, vừa giữ cân bằng hệ sinh thái, vừa tạo sinh kế đem lại thu nhập cho người dân vùng lòng hồ.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cho biết: Hiện, toàn tỉnh đang duy trì nuôi gần 2.900 ha thủy sản với 7.288 lồng cá các loại, tổng sản lượng thủy sản khoảng 2.300 tấn cá nuôi và khai thác. Thực hiện các giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh chỉ đạo và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án khai thác bền vững, có hiệu quả nguồn lợi thủy sản lòng hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La; tổ chức thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản; tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản; tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh và loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm…, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phục hồi, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Trong giai đoạn 2013-2021, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thả trên 2,2 triệu con cá giống các loại; thực hiện quản lý và bảo vệ 43 điểm bãi cá đẻ, bãi sinh vật thủy sản còn non thuộc hồ chứa thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La. Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về Luật Thủy sản và các văn bản liên quan đến quản lý nuôi trồng, khai thác thủy sản cho hàng nghìn lượt người; tuyên truyền hướng dẫn các tăng ni, phật tử và cộng đồng dân cư không thả các loài thủy sinh ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại môi trường, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh được tăng cường, kịp thời phát hiện thu giữ ngư cụ cấm, bộ kích điện, súng tự chế và xử phạt các trường hợp vi phạm.
Để thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào phát triển nuôi thủy sản. Tỉnh đã đầu tư, hoàn thành 2 hạng mục công trình xây dựng cảng cá tại bản Bỉa, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai và hạng mục công trình xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi cá tầm tập trung và thủy sản khác tại bản Nà Tòng, xã Hua Trai, huyện Mường La, với tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng. Đồng thời, ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng nhân giống cá nước lạnh (cá tầm) phục vụ nuôi trên lòng hồ thủy điện Sơn La; hỗ trợ nhân rộng mô hình liên kết sản xuất nuôi trai lấy ngọc của Công ty TNHH Queen Paerl Mai Sơn.
Công ty TNHH MTV cá tầm - Sơn La là 1 trong 73 doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực thủy sản. Sau gần 10 năm phát triển, Công ty đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất cá thương phẩm, nuôi cá giống và cá tầm trứng. Ông Nguyễn Văn Lan, Quản đốc phụ trách nuôi trồng thủy sản, cho biết: Công ty hiện có hơn 270 lồng nuôi cá tầm các loại; trong đó có 21 lồng cá giống bố, mẹ, với khoảng 1.000 con giống từ 30-60kg/con và 250 lồng cá thương phẩm, cá trứng từ 2-10 kg/con. Sản phẩm cá tầm đã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và xuất bán ra thị trường qua hệ thống các đại lý, siêu thị trong tỉnh và Hà Nội.
Qua triển khai tích cực, hiệu quả công tác phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực tự nhiên đã góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học, giữ cân bằng sinh thái, cải thiện cuộc sống của các hộ dân ven hồ thủy điện. Thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục tuyên truyền về chủ trương, cơ chế, chính sách, các quy định về nuôi trồng và phát triển nguồn lợi thủy sản. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, vận hành chính sách đồng bộ, kịp thời và tạo sự đồng thuận của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân tham gia công tác nuôi trồng, phát triển nguồn lợi thủy sản.