Bảo vệ tấm căn cước của vùng trồng

Những ngày này, ngành rau quả đón tin vui khi kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đã vượt qua thành tích của cả năm 2022. Có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong số các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, rau quả đã mang về cho đất nước 3,25 tỷ USD, tăng 68,8% so với cùng kỳ và vượt con số 3,16 tỷ USD của năm trước.

“Trái ngọt” này do nhiều yếu tố tạo nên, đáng kể nhất là việc thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại và tăng lượng thu mua; đặc biệt, các Nghị định thư kiểm dịch thực vật đã ký kết giữa hai nước, giúp mở cánh cửa xuất khẩu chính ngạch cho nhiều loại trái cây đã góp phần quan trọng tạo nên kỷ lục của xuất khẩu rau quả.

Trung Quốc hiện đứng ở vị trí số 1 trong tốp 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của nước ta với kim ngạch 1,76 tỷ USD trong nửa đầu năm, tăng 121,9% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 65,8% thị phần. Trong đó, sầu riêng, xoài, thanh long, chuối là những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất; và ngoại trừ chuối đang trong tiến trình đàm phán, còn lại sầu riêng, thanh long, và xoài đều là những mặt hàng đã được Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch.

Với tiến trình này, nửa cuối năm nay, xuất khẩu rau quả sẽ sớm cán đích 4 tỷ USD, thậm chí có thể đạt 5 tỷ USD. Vậy nhưng, cảnh báo rủi ro cũng bắt đầu xuất hiện khi mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) thông báo một số lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật.

Trung Quốc ngày càng nâng cao rào cản kỹ thuật, chỉ nhập khẩu chính ngạch trái cây từ vùng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vì thế, công tác đàm phán, ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trực tiếp là Cục Bảo vệ thực vật, tập trung làm tốt trong thời gian qua. Công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cũng đã được phân cấp về cho địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý. Vậy nhưng, cảnh báo của Hải quan Trung Quốc cho thấy nhiều địa phương, tổ chức và cá nhân chỉ mới tập trung mở rộng số lượng diện tích vùng trồng và cơ sở đóng gói mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu.

Sự buông lỏng này sẽ dẫn đến tình trạng kiểm soát không hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quan tâm và làm gia tăng số lượng các lô hàng vi phạm quy định của Trung Quốc. Kéo theo đó, phía Trung Quốc và nước nhập khẩu có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn, thậm chí tạm ngừng nhập khẩu một hoặc toàn bộ mặt hàng nông sản Việt Nam; hậu quả lúc này không thể đong đếm hết!

Để tránh xảy ra tình huống này, các tỉnh, thành phố cần bố trí đủ nguồn lực để kiểm tra và giám sát các vùng trồng, các cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Bởi lẽ, nông sản từ vùng trồng không đáp ứng được tiêu chí chất lượng và kỹ thuật nhưng vẫn được xuất đi và chỉ được phát hiện bởi cơ quan kiểm dịch thực vật nước nhập khẩu cho thấy khâu này chưa “tới nơi tới chốn”. Cùng với đó, tuyên truyền và phổ biến rộng rãi quy định của Trung Quốc, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật từ Cục Bảo vệ thực vật để tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất và xuất khẩu sang Trung Quốc biết và tuân thủ. Các tỉnh, thành phố có cửa khẩu xuất khẩu cũng cần chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan phối hợp với cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu kiểm tra chặt chẽ hàng hóa theo quy định của Trung Quốc và các nước nhập khẩu.

Có thể nói, mỗi mã số được cấp chính là tấm căn cước của vùng trồng và cơ sở đóng gói; bảo vệ, gìn giữ tấm căn cước này là việc buộc phải làm, nếu không sẽ xảy ra tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” - vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sẽ liên lụy đến hàng triệu nông dân cả nước.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/bao-ve-tam-can-cuoc-cua-vung-trong-i339072/