Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Cơ chế DPPA tạo đột phá cho thị trường điện cạnh tranh

Chiều 5/7 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 80/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Chiều 5/7 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 80/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước để triển khai, thực hiện Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 03/7/2024 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn (Cơ chế DPPA). Hội nghị do Bộ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì.

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Cấn Dũng)

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Cấn Dũng)

Cơ chế DPPA đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Đây là một văn bản pháp luật, một cơ chế, chính sách quan trọng, đột phá và bền vững đã được Chính phủ ban hành rất kịp thời nhằm góp phần thúc đẩy và thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Qua đó góp phần đạt được các mục tiêu về chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững, tạo sự đột phá và thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh của Việt Nam.

Cơ chế DPPA được xây dựng và ban hành trong bối cảnh nhu cầu về sử dụng năng lượng xanh, sạch ngày càng gia tăng, các yêu cầu khắt khe hơn về chuyển dịch năng lượng, phát triển kinh tế tuần hoàn trung hòa các-bon, cùng với yêu cầu bắt buộc phải bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Cấn Dũng)

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Cấn Dũng)

Cơ chế DPPA có vai trò quan trọng không chỉ trong việc định hướng phát triển ngành điện nói riêng mà còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội, an ninh của đất nước, nhất là trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Tại hội nghị, đại diện đơn vị chủ trì soạn thảo, ông Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) thông tin, Cơ chế DPPA đã được Bộ Công Thương nghiên cứu kỹ lưỡng trong nhiều năm thông qua việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá và phân tích đặc điểm, điều kiện của Việt Nam. Đồng thời, tham vấn ý kiến của rất nhiều chuyên gia, tổ chức và cơ quan trong và ngoài nước nhằm đảm bảo rằng Cơ chế DPPA không chỉ mang tính hiệu lực, hiệu quả thực thi mà còn đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và nhu cầu sử dụng điện xanh, sạch của các doanh nghiệp nói riêng.

Báo cáo tóm tắt các nội dung và đặc điểm chính của Cơ chế DPPA,ông Phạm Quang Huynhấn mạnh, việc ban hành Cơ chế DPPA thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, tập đoàn liên quan trong việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế/chính sách tiên tiến, công bằng, minh bạch, tạo động lực để thu hút nguồn vốn tư nhân trong đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, cũng như thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Ông Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Ảnh: Cấn Dũng)

Ông Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Ảnh: Cấn Dũng)

Với sự ban hành Nghị định, những khách hàng sử dụng điện lớn có mức sản lượng tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh/tháng mong muốn sử dụng năng lượng tái tạo sẽ được mua điện “trực tiếp” từ các nhà sản xuất năng lượng tái tạo với hai chính sách qua Đường dây kết nối riêng hoặc qua lưới điện quốc gia.

Riêng với trường hợp mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo được tham gia Cơ chế là Đơn vị phát điện từ điện gió hoặc điện mặt trời với công suất từ 10 MW trở lên đấu nối vào hệ thống điện quốc gia trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Trong khi trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng sẽ không có giới hạn về công suất và loại hình năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu, các dạng năng lượng tái tạo khác và hệ thống điện mặt trời mái nhà được cấp giấy phép hoạt động điện lực hoặc được miễn trừ giấy phép đối với lĩnh vực phát điện theo quy định.

Doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đánh giá cao cơ chế mở của DPPA

Cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ lần đầu tiên cho phép các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo được lựa chọn bán điện trực tiếp cho Khách hàng sử dụng điện bên cạnh bán điện cho các Tổng công ty điện lực. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động của đơn vị phát điện (hoặc chủ đầu tư dự án điện) không xung đột hoặc phá vỡ kế hoạch và mục tiêu chiến lược mà Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đang áp dụng. Việc quy định tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư là điều kiện tiên quyết để các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo trong cả hai chính sách mua bán điện tham gia Cơ chế này.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Ảnh: Cấn Dũng)

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Ảnh: Cấn Dũng)

Ông Võ Quang Lâm- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định: Chúng tôi cũng rất vui mừng Nghị định đã được Chính phủ ban hành rất sớm và đáp ứng được lòng mong mỏi của các doanh nghiệp trong, ngoài nước.

"Đây là bước rất quan trọng để chúng ta có thể thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh Việt Nam. Hiện EVN đã tổ chức rà soát các quy trình nội bộ, trong tháng 7 này EVN sẽ hoàn thiện để làm sao phù hợp với các quy định của Nghị định cũng như các pháp luật liên quan, để trong nội bộ tập đoàn, các đơn vị thành viên Tổng công ty, các Tổng công ty mua bán điện sẽ có triển khai được ngay"- ông Võ Quang Lâm cho biết.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu của đại diện một số cơ quan, đơn vị và tổ chức quốc tế như: Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Ngân hàng Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Đại sứ quán Hoa Kỳ và Liên minh năng lượng sạch châu Á (ACEC) và Khách hàng sử dụng điện lớn như Samsung đều bảy tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao về những nỗ lực của Bộ Công Thương và ý nghĩa của việc ban hành Cơ chế DPPA. Đồng thời coi đây không chỉ là một cơ chế góp phần bảo đảm an ninh cung cấp điện, mà còn là cơ chế giúp khách hàng đạt được các mục tiêu sản xuất và tăng trưởng xanh.

Các tổ chức quốc tế bảy tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao về những nỗ lực của Bộ Công Thương và ý nghĩa của việc ban hành Cơ chế DPPA (Ảnh: Cấn Dũng)

Các tổ chức quốc tế bảy tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao về những nỗ lực của Bộ Công Thương và ý nghĩa của việc ban hành Cơ chế DPPA (Ảnh: Cấn Dũng)

Thực hiện Cơ chế DPPA, khách hàng sử dụng điện sẽ đáp ứng mục tiêu và xu hướng sử dụng năng lượng sạch của chính mình. Qua đó góp phần thu hút đầu tư không chỉ trong ngành năng lượng tái tạo mà còn cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhu cầu tiêu thụ điện lớn; Cơ chế DPPA cũng góp phần không nhỏ trong hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam. Nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và mức độ cạnh tranh trong hoạt động mua bán điện nói chung và thị trường điện nói riêng.

Ông Jung Byung Jin - Giám Đốc phụ trách An toàn môi trường Tổ hợp Samsung Việt Nam (Ảnh: Cấn Dũng)

Ông Jung Byung Jin - Giám Đốc phụ trách An toàn môi trường Tổ hợp Samsung Việt Nam (Ảnh: Cấn Dũng)

Các bên liên quan đều nhận thức rõ được trách nhiệm, nhiệm vụ của mình, theo đó, Cơ chế DPPA đã phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị trong công tác quản lý nhà nước tách bạch với hoạt động sản xuất, kinh doanh, truyền tải, phân phối điện. Mặc dù vậy, vì đây là một cơ chế mới được ban hành và thực thi lần đầu tiên ở Việt Nam sẽ không tránh khỏi những tồn tại nhất định. Theo đó, cần có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, cũng như đòi hỏi các bên tham gia phải có hiểu biết đúng đắn và đầy đủ về cách thức hoạt động và các quy định liên quan để Cơ chế DPAA có thể vận hành hiệu quả, thành công, phát huy tối đa những ưu điểm của Cơ chế đối với các bên liên quan nói riêng và với sự phát triển của thị trường điện Việt Nam nói chung.

Bộ Công Thương sẽ đồng hành các đơn vị trong triển khai Cơ chế DPPA

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ: Cơ chế DPPA không những tạo động lực để thu hút nguồn vốn tư nhân trong đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo đồng thời còn thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Cơ chế DPPA được Bộ Công Thương, Chính phủ tập trung toàn lực xây dựng và ban hành với khối lượng nội dung chuyên môn rất sâu và trong một khoảng thời gian ngắn kỷ lục; đây là cơ chế được rất nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các khách hàng sử dụng điện lớn và khách hàng FDI quan tâm.

Hội nghị phát trực tiếp đến 63 tỉnh, thành phố (Ảnh: Cấn Dũng)

Hội nghị phát trực tiếp đến 63 tỉnh, thành phố (Ảnh: Cấn Dũng)

Chính vì vậy, để đảm bảo Cơ chế DPPA được triển khai một cách hiệu lực và hiệu quả,Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương, EVN, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương chú trọng tổ chức triển khai các nội dung được quy định tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, cụ thể:

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị định, trong đó chú trọng các nhiệm vụ về kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hợp đồng mua bán điện theo hình thức trực tiếp cũng như giải quyết các khiếu nại, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai cơ chế này theo phạm vi khu vực quản lý.

Tập đoàn EVN và các đơn vị trực thuộc khẩn trương tính toán các chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện trong Cơ chế DPPA, xây dựng quy trình kinh doanh, quản lý và tính toán thanh toán, hóa đơn cho khách hàng khi tham gia Cơ chế DPPA cũng như thực hiện tốt chức năng quản trị việc đăng ký tham gia và hướng dẫn các đơn vị trong việc tham gia cơ chế DPPA qua lưới điện quốc gia, kiểm tra, giám sát các yêu cầu kỹ thuật nhằm đảm bảo hệ thống điện vận hành ổn định, an toàn và liên tục.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kết luận Hội nghị (Ảnh: Cấn Dũng)

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kết luận Hội nghị (Ảnh: Cấn Dũng)

Các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương tập trung làm tốt công tác truyền thông phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng và các nội dung cốt lõi của Nghị định; khẩn trương xây dựng hướng dẫn quy trình triển khai theo chức năng và nhiệm vụ; Định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình, kết quả thực hiện theo nhiệm vụ được phân công và kịp thời tham mưu với Lãnh đạo Bộ và cấp có thẩm quyền kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/7/2024. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến nội dung của Nghị định và sẽ đồng hành cùng các tổ chức, cá nhân triển khai cơ chế này.

Thu Hường- Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-co-che-dppa-tao-dot-pha-cho-thi-truong-dien-canh-tranh-330272.html