Bảo vệ tầng ozon, làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu

Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozon (16/9) năm nay có chủ đề 'Nghị định thư Montreal: Làm mát thế giới, bảo quản thực phẩm và vắc xin'.

Năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bên liên quan tổ chức kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozon, để nêu bật tầm quan trọng của việc bảo vệ tầng ozon giúp làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực làm mát, đảm bảo an ninh lương thực và bảo quản vắc xin.

Ngày 16/9 hàng năm được chọn là Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozon

Ngày 16/9 hàng năm được chọn là Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozon

Theo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon (Nghị định thư Montreal) là một trong những thỏa thuận quốc tế thành công nhất cho đến nay. Nỗ lực chung của cả thế giới trong việc loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon đã góp phần thu hẹp lỗ thủng tầng ozon, qua đó bảo vệ sức khỏe con người, duy trì sự ổn định kinh tế và các hệ sinh thái.

Sự ra đời của Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal cùng với lộ trình loại trừ dần các chất hydrofluorocarbon (HFC) mang lại nhiều lợi ích về khí hậu. Mặc dù HFC không phá hủy tầng ozon, nhưng những môi chất lạnh này là các khí nhà kính mạnh.

Bên cạnh đó, khoảng 1/3 tổng lượng thực phẩm được sản xuất trên toàn cầu bị thất thoát hoặc lãng phí mỗi năm, phần lớn là do không được tiếp cận với các chuỗi cung ứng lạnh. Việc này không chỉ lãng phí kinh tế (mất hàng tỷ USD mỗi năm) mà ước tính tạo ra 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính mỗi năm trên toàn cầu.

Lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu cũng cho biết: Nhiều năm qua, Việt Nam đã dần loại bỏ hoàn toàn các chất làm suy giảm tầng ozon: Loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC (một hợp chất của các chất hữu cơ bao gồm cacbon, clo và flo), Halon (chất dập cháy dạng khí hóa lỏng) từ ngày 1/1/2010; cấm sử dụng Methyl bromide không phục vụ kiểm dịch và khử trùng hàng xuất khẩu, loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp từ 1/10/2015, qua đó đã đáp ứng nghĩa vụ loại trừ được 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC theo lộ trình.

Trong giai đoạn 2020-2025, Việt Nam cần thực hiện loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC (tương đương với hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC chỉ còn 2.600 tấn, giảm 1.000 tấn so với giai đoạn trước); giảm dần trong giai đoạn sau đó cho đến khi chấm dứt nhập khẩu các chất HCFC vào năm 2040.

Được biết, tháng 9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP chính thức phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon. Theo đó, Việt Nam đặt ra lộ trình quản lý, cắt giảm các chất HFC trong giai đoạn từ năm 2024 - 2045. Mức tiêu thụ cơ sở các chất HFC được xác định căn cứ trên lượng tiêu thụ trung bình của 3 năm 2020, 2021, 2022.

Hiện nay, bảo vệ tầng ozon là việc luật hóa các quy định về bảo vệ tầng ozon đã được quy định tại Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và quy định chi tiết tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Thời gian tới, việc triển khai Nghị định thư Montreal tại Việt Nam sẽ đồng bộ, hiệu quả hơn nữa khi Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon được ban hành, đi vào cuộc sống.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Cơ quan ozon khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhân dịp Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozon 16/9 năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động cuộc thi sáng tác nghệ thuật với chủ đề “Bảo vệ tầng ozon để bảo vệ khí hậu trái đất”, nhằm nêu bật mối liên hệ giữa việc bảo vệ tầng ozon và biến đổi khí hậu, ghi nhận những thành tựu đạt được của Nghị định thư Montreal trong nhiều năm qua; đồng thời thông qua đó nâng cao nhận thức và tìm kiếm ủng hộ của cộng đồng trong việc giảm thiểu sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozon, loại trừ dần các chất HFC.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ba-o-ve-ta-ng-ozon-lam-cham-lai-qua-trinh-bien-doi-khi-ha-u-164133.html