Bảo vệ thiên nhiên là bảo vệ cuộc sống chính mình!
Hình ảnh mưa lũ ở Hà Giang những ngày qua khiến cho người dân cả nước không khỏi bàng hoàng lo lắng.
Dòng nước cuồn cuộn, đục ngầu cuốn phăng nhà cửa, đường xá, xe cộ và đã khiến nhiều người bỏ mạng là những tổn thất mà người ta có thể nhìn thấy được. Bên cạnh đó, thiệt hại về tinh thần, về sức lực con người, về hệ sinh thái tự nhiên thì không thể nào đong đếm. Thiên nhiên một lần nữa nổi giận, trút cơn thịnh nộ xuống con người như một cách để con người thức tỉnh trước những tàn phá mà họ đã gây ra cho thiên nhiên.
Mưa lũ ở Hà Giang những ngày qua chỉ là một trong số rất ít những cơn thiên tai mà trái đất phải gánh chịu trong những năm gần đây. Không chỉ ở Việt Nam, thiên tai, lũ lụt còn diễn ra ở khắp nơi trên thế giới mà điển hình là cơn lũ lụt đã và đang diễn ra theo chiều hướng không thể kiểm soát ở Trung Quốc là một ví dụ điển hình cho sức mạnh tàn phá của thiên nhiên. Chỉ đến khi chứng kiến sức mạnh của thiên tai trút xuống, con người mới giật mình nhìn lại những gì mình đã làm với mẹ thiên nhiên.
Rừng bị tàn phá để lấy gỗ, để lấy đất; Sông bị ngăn dòng, nắn luồng để làm thủy điện, để xây các công trình nghỉ dưỡng, để làm khu công nghiệp; Núi bị phá để lấy đá làm công trình..... là những hình ảnh mà người ta có thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào trên trái đất này, nhất là ở những nước mới phát triển. Người ta tàn phá thiên nhiên vì lợi ích kinh tế trước mắt, với niềm tin, sự tàn phá đó chẳng ảnh hưởng gì đến mình, thiên nhiên vốn bao la, vĩ đại lắm. Nhưng, không một sự tác động nào đến thiên nhiên và đi ngược lại quy luật của tự nhiên mà không phải trả giá.
Tạo hóa vốn sòng phẳng, tạo nên trái đất với một hệ sinh thái đa dạng, cộng sinh, để muôn loài có thể dựa vào đó để tồn tại và cùng phát triển. Loài người, dựa vào sự tiến hóa vượt bậc của mình đã biến các loài khác thành phương tiện để sinh tồn, dần dần biến thành nguồn lợi để phát triển kinh tế, làm giàu. Sẽ không có gì đáng nói nếu sự khai thác các nguồn lợi thiên nhiên của con người tỷ lệ thuận với sự phát triển tự nhiên của thiên nhiên và để cho hệ sinh thái tự nhiên có cơ hội phục hồi. Nhưng, lòng tham và sự thiếu hiểu biết đã khiến nhiều người, nhiều nơi trên thế giới lao vào khai thác thiên nhiên đến cạn kiệt. Nhiều loại động, thực vật đã tuyệt chủng vì con người; Thiên nhiên bị biến dạng; Hệ sinh thái tự nhiên biến đổi là những gì mà con người đã gây ra.
Thiên tai, chỉ là một điều rất nhỏ trong sự cảnh báo của thiên nhiên đối với con người. Khi người ta chưa ý thức được rằng, mỗi tác động của con người, dù rất nhỏ, lên tự nhiên cũng sẽ nhận về những điều tương ứng. Mỗi một con người, dù vĩ đại đến đâu cũng chỉ là một nhân tố bé nhỏ trong hệ sinh thái tự nhiên, chịu ảnh hưởng cộng sinh trực tiếp từ thiên nhiên. Con người, sẽ không thể sống nếu thiếu bất cứ một thành phần nào trong hệ sinh thái tự nhiên xung quanh mình.
Dù chậm còn hơn không, đã đến lúc, mỗi con người phải biết điều chỉnh hành vi của mình, từ những sinh hoạt hàng ngày, để bảo vệ thiên nhiên. Mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia, cần nỗ lực nhiều hơn nữa, nói không với tàn phá thiên nhiên chỉ vì lợi ích kinh tế, để bảo vệ hệ sinh thái của thế giới, cho chính mình, cho đất nước, cho tương lai.