Bảo vệ thương hiệu, chống đội lốt cam Cao Phong
Dù huyện Cao Phong đã cắm biển 'Thông báo kết thúc thu hoạch cam Cao Phong niên vụ 2022 - 2023 kể từ ngày 25/5/2023' tại đầu huyện, cuối huyện và khu vực chợ nông sản huyện, nhưng một số điểm bán lẻ cam ngay trên địa bàn huyện vẫn bán cam nơi khác mạo danh cam Cao Phong.
Mạo danh cam Cao Phong
Đến nay, cam Cao Phong vẫn là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh được cấp Chỉ dẫn địa lý. Thương hiệu cam Cao Phong đã được khẳng định, bảo hộ, người tiêu dùng trong nước biết đến và được xuất khẩu sang thị trường Anh quốc. Lợi dụng danh tiếng cam Cao Phong, thời điểm hết vụ nhưng ngay trên địa bàn xã Tây Phong, Thu Phong, thị trấn Cao Phong vẫn có một số điểm bán lẻ hoa quả, trong đó có cam được người bán mời mua với mác cam Cao Phong.
Cuối tháng 7/2023 khi các vườn cam của huyện Cao Phong quả vẫn còn non, xanh; biển thông báo kết thúc thu hoạch cam Cao Phong niên vụ 2022 - 2023 vẫn được cắm tại đầu huyện, cuối huyện, khu vực chợ nông sản huyện và còn hiệu lực thì cam Cao Phong dởm xuất hiện. Trong vai người mua cam, chúng tôi được một chủ sạp hoa quả ở xã Tây Phong mời đon đả và khẳng định đúng là cam Cao Phong. Khi thắc mắc sao thời điểm này lại có cam Cao Phong, chủ sạp trả lời ngay là cam bây giờ quanh năm, từ sau Tết có cam V2, đến giữa tháng 8 có cam lòng vàng!
Theo quan sát, cam được bày bán trên sạp 2 tầng, tầng trên quả đều hơn, đầu quả cam màu xanh, phần còn lại màu vàng được báo giá 35 nghìn đồng/kg. Tầng dưới loại quả to, nhỏ hơn, vẹo được mời với giá 20 nghìn đồng/kg. Thấy chúng tôi băn khoăn, chủ sạp liền bổ ngay 1 quả và cắt 1 miếng đưa cho nếm thử. Cam có vị hơi chua và mùi không tươi, thơm ngon như cam Cam Phong chính hiệu.
Tiếp tục đến xã Thu Phong, khu vực đỉnh dốc Cun, khi vào một hàng bán hoa quả có cam, chúng tôi được mời mua cam Cao Phong. Chủ hàng giới thiệu đây là cam V2, mẻ cuối bán nốt để vào vụ na. Khi được hỏi có thấy biển cắm hết vụ cam ở ngay đầu dốc Cun, chỉ cách khoảng 100m không? Chủ quán thản nhiên trả lời biết nhưng vẫn quả quyết đây là loại cam V2 còn sót lại trong vườn trồng ngay tại xã Thu Phong.
Là người trồng và bán cam hơn 30 năm, chị Ngân Thị Nụ ở khu 2, thị trấn Cao Phong bức xúc khi một số chủ quán vì lợi nhuận mà bán cam nơi khác mạo danh cam Cao Phong ngay tại vùng Chỉ dẫn địa lý để lừa người tiêu dùng. Chị Nụ chia sẻ: Tôi trồng 4 ha cam Canh, Mars, V2, lòng vàng và nghỉ bán từ cuối tháng 5/2023, đầu tháng 9/2023 mới bắt đầu thu hoạch, bán cam Mars, tổng sản lượng niên vụ 2023 - 2024 khoảng 50 tấn. Thời điểm tháng 4/2023 có khách đã mua 5 thùng cam ở khu chợ nông sản Cao Phong, sau đó phải thốt lên buồn bã đến Cao Phong còn không mua được cam Cao Phong xịn.
Hợp tác xã 3T Farm nông sản Cao Phong có 20 ha cam, quýt. Giám đốc Vũ Thị Lệ Thủy cho biết: 2023 là năm nhuận nên thu quýt Ôn Châu sớm hơn nhưng thời điểm đầu tháng 8/2023 quả vẫn còn xanh, chua, đến khoảng cuối tháng 8 mới bắt đầu thu hoạch. Đây là giống thu hoạch đầu tiên, sau đó đến cam Mars, C36, Cara và đến tháng 11 mới có cam lòng vàng. Người trồng cam chân chính rất bức xúc với tình trạng mạo danh cam Cao Phong bán tràn lan. Thậm chí từng phát hiện có cửa hàng hoa quả sạch ở Hà Nội đăng bán công khai trên fanpage quýt Ôn Châu Cao Phong vào thời điểm tháng 7. Khi bình luận hỏi quýt trồng ở đâu của Cao Phong thì họ không trả lời công khai mà nhắn tin riêng nói là nhập từ Trung Quốc, rồi xóa bài đăng.
Theo chia sẻ của những người tâm huyết trồng, bán cam Cao Phong, một số người trên địa bàn huyện trắng trợn bán cam nơi khác lấy mác Cao Phong ngay thời điểm hết vụ. Đến vụ có người còn mua cả xe tải cam chở từ tỉnh khác về huyện đóng thùng, rồi lại chuyển bán đi với danh cam Cao Phong. Mua nơi khác chỉ 10.000 đồng/kg, về huyện bán giá cam Cao Phong 20.000 đồng/kg, trừ chi phí vận chuyển vẫn lãi nên họ cứ làm bất chấp lương tâm, thương hiệu. Đối tượng nhắm đến là khách vãng lai, qua đường. Họ còn nói bán không thấy bị phạt nên vẫn làm.
Bảo vệ thương hiệu
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong Bùi Văn Dán cho biết: Nhờ tích cực áp dụng kỹ thuật, đưa giống mới vào trồng, cam Cao Phong giờ cho thu hoạch rải vụ, nhưng cũng chỉ thu hoạch từ khoảng tháng 9 đến tháng 5 năm sau. Các tháng còn lại, người dân tập trung chăm sóc cây và cam non. Số cam được bảo quản lạnh cũng khó có thể đủ để tháng 7 có cam Cao Phong bán. Như vậy là mạo danh. Niên vụ 2023 - 2024, diện tích cây có múi toàn huyện trên 1.700 ha, trong đó cam trên 1.300 ha.
Hiện nay, cam đang gặp khó khăn vì bệnh của cây, nạn kích giun; giảm diện tích, sản lượng nhưng giá không tăng, lại thêm tình trạng mạo danh.
Lo lắng trước tình trạng bày bán tràn lan cam Cao Phong dởm ngay trên địa bàn huyện, một số hộ kinh doanh cam chân chính cho rằng: Cam là cây chủ lực của huyện. Xây dựng thương hiệu đã khó, để tình trạng như vậy ảnh hưởng lớn, cần có biện pháp ngăn chặn. Đấu tranh riêng lẻ chỉ như muối bỏ biển, cần chung tay vào cuộc từ cả phía chính quyền và người dân. Đề xuất mời hết những người bán cam trên địa bàn huyện đến để tuyên truyền, ký cam kết. Cấp mã số sử dụng bao bì thùng cam cho từng hộ bán cam Cao Phong để quản lý. Lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất để xử lý, làm gương. Phát huy "tai, mắt" của người dân, giám sát chéo lẫn nhau vì lợi ích chung.
Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm Vũ Thị Lệ Thủy từng đưa vấn đề trên nhiều lần ra các cuộc họp nhưng các ý kiến trả lời cho rằng không thể cấm người kinh doanh cam; khi cơ quan chức năng đến họ vẫn bảo là xuất xứ cam nơi khác, nhưng khi đi khỏi và khách hàng hỏi lại nói là cam Cao Phong nên khó xử lý. Chị Thủy cho rằng: Không cấm bán cam nhưng vẫn có các biện pháp và nếu chung tay vào cuộc quyết liệt, thường xuyên tin rằng sẽ có hiệu quả. Ví như rà soát các hộ kinh doanh cam trên địa bàn huyện, khoanh vùng những hộ bán cam nơi khác và cho đăng ký, nếu người dân phát hiện, tố giác lấy danh cam Cao Phong thì xử lý nghiêm. Lập tổ công tác, đường dây nóng để người dân phản ánh, giữ thông tin bí mật cho người báo. Huy động sự tham gia của quần chúng trong bảo vệ thương hiệu…
Địa bàn huyện Cao Phong có trên 100 hộ kinh doanh cam, quýt. Để bảo vệ thương hiệu cam Cao Phong, UBND huyện đã ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam. Yêu cầu các xã, thị trấn, Công ty TNHH MTV Cao Phong, Hội Những người trồng cam rà soát chủng loại, nêu rõ thời điểm thu hoạch, kết thúc. Tuyên truyền, phổ biến quy định về hoạt động quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý. Huyện cắm 3 biển thông báo hết vụ cam; thông báo trên Trang thông tin điện tử huyện; phối hợp báo, đài đăng, phát rộng rãi thông tin hết vụ. Ban Kiểm soát chỉ dẫn địa lý tổ chức cho các hộ kinh doanh cam trên địa bàn ký cam kết...
Tuy nhiên, việc mạo danh cam Cao Phong ngay trên địa bàn huyện vẫn diễn ra, đòi hòi sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ hơn. Người tiêu dùng cũng cần tìm hiểu thông tin để tránh bị lừa, mua phải cam Cao Phong rởm.