Bảo vệ thương hiệu nông sản

Mỗi vùng, miền của nước ta đều có những cây trồng đặc trưng, đã và đang khẳng định được thương hiệu, được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết đến với chất lượng tốt như: Cam Cao Phong, bưởi Diễn, nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, dâu tây Ðà Lạt, gạo Séng Cù, tỏi Lý Sơn… Tuy nhiên hiện nay, không ít nông sản đang bị giả, nhái thương hiệu, bán trên thị trường, gây thiệt hại lớn và bức xúc cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng khoai tây nhập về TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng khoai tây nhập về TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Mỗi vùng, miền của nước ta đều có những cây trồng đặc trưng, đã và đang khẳng định được thương hiệu, được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết đến với chất lượng tốt như: Cam Cao Phong, bưởi Diễn, nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, dâu tây Ðà Lạt, gạo Séng Cù, tỏi Lý Sơn… Tuy nhiên hiện nay, không ít nông sản đang bị giả, nhái thương hiệu, bán trên thị trường, gây thiệt hại lớn và bức xúc cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Bài 1: Nông sản ngoại "đội lốt" hàng nội

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, thu giữ nhiều loại nông sản giả thương hiệu hoặc nông sản ngoại đội lốt hàng nội tiêu thụ trên thị trường. Mặc dù vậy, tình trạng này vẫn chưa chấm dứt khi nhiều mặt hàng vẫn đang được bày bán công khai tại các chợ dân sinh, hàng rong hoặc trên mạng xã hội với giá rẻ. Việc nhập nhèm nguồn gốc, xuất xứ đang ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín sản phẩm, giảm niềm tin của người tiêu dùng.

Nhập nhèm nguồn gốc, xuất xứ

Tỉnh Lào Cai có gần 200 km đường biên giới đất liền và sông suối với hai cửa khẩu và nhiều lối mở, lối mòn, cùng địa hình hiểm trở cho nên công tác phòng, chống vận chuyển trái phép nông sản qua biên giới rất khó khăn. Trong đó, nhiều loại rau, củ, quả xuất xứ từ Trung Quốc, được bày bán công khai, nhất là ở thị xã Sa Pa, vì đây là địa điểm du lịch nổi tiếng của Lào Cai với lượng lớn du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan. Ngoài ra, khu vực chợ đầu mối Cốc Lếu, nơi bán sỉ, bán lẻ rau và hoa quả các loại lớn nhất của tỉnh và là địa chỉ mua sắm quen thuộc của du khách khi đến TP Lào Cai cũng xuất hiện tình trạng này.

Qua tìm hiểu thực tế tại điểm du lịch Thác Bạc, thị xã Sa Pa cho thấy, các loại đào, lê, mận Trung Quốc đội lốt hoa quả đặc sản Sa Pa được bán công khai. Ðứng bán những rổ lê nhái lê Sa Pa vàng ruộm, bà Phạm Thị M đon đả mời khách mua với giá 20.000 đồng/kg; còn những loại mận Trung Quốc được "gắn nhãn" mận tím Tả Van, mận Tả Lý chỉ với giá 30.000 đồng/kg. Hỏi ra được biết, dịp khách đông, mỗi ngày bà M bán được hàng trăm kg lê, mận các loại; còn dịp vắng khách, bà vẫn bán được vài chục kg mỗi ngày. Ngoài ra, dọc hai bên quốc lộ 4D có chục hàng quán bán mận, lê, đào đội lốt Sa Pa (thực chất là hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc) được vận chuyển qua cửa khẩu, rồi đưa về đây tiêu thụ. Ở khu vực ngã ba Sâu Chua, có chợ dân sinh nằm ngay trên quốc lộ 4D, là nơi du khách từ Sa Pa về TP Lào Cai thường hay dừng đỗ để mua các loại nông sản bản địa như: Rau mầm đá, su su quả, ngọn su su, củ cải đỏ… được người bán quảng cáo là trồng ở Sa Pa nhưng thực chất, chỉ có quả su su là "chính hiệu", còn các loại khác bị trà trộn, phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Qua tìm hiểu, rau mầm đá ở thị xã Sa Pa chỉ có khoảng 10 ha, sản lượng khoảng 180 tấn/năm, chỉ đủ tiêu thụ tại địa bàn và TP Lào Cai, rất ít bán ra ngoài.

Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng cùng truyền thống và kinh nghiệm sản xuất của người dân, từ lâu TP Ðà Lạt (Lâm Ðồng) đã nổi tiếng với các loại nông sản có thương hiệu như: Dâu tây, hồng, khoai tây... Nhưng, điều nhức nhối trong thời gian qua là nhiều loại nông sản ở nơi khác hay từ nước ngoài như: Dâu tây, khoai tây, cà-rốt, cải bắp và nhiều loại mứt của Trung Quốc sau khi xâm nhập vào nước ta cũng "ngược đường" lên TP Ðà Lạt. Các sản phẩm này được "phù phép" mượn danh rau quả đặc sản Ðà Lạt, bán cho người tiêu dùng với giá cao. Do hám lợi, đã có thời điểm, nhiều tiểu thương nhập ồ ạt khoai tây Trung Quốc về "quá cảnh" Ðà Lạt, sau đó phối trộn đất đỏ, đóng gói, dán tem mạo danh khoai tây bản địa để bán, đánh lừa người tiêu dùng. Nhiều năm qua, dù chính quyền và các ngành chức năng địa phương liên tục tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt, nhưng hành vi gian lận thương mại vẫn liên tục tái diễn.

Trang trại Nam Anh, xã Xuân Thọ, TP Ðà Lạt vừa được UBND thành phố cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu dâu tây Ðà Lạt. Ðây là trang trại trồng dâu tây theo công nghệ Nhật Bản, dâu có thể ăn ngay tại vườn. Bà Ðặng Thu Hiền, chủ trang trại cho biết: "Việc cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu cũng là một giải pháp giúp loại bỏ những loại nông sản không rõ nguồn gốc, tạo niềm tin cho khách hàng. Tuy nhiên, tình trạng dâu tây Trung Quốc đội lốt dâu tây Ðà Lạt thời gian gần đây gây ảnh hưởng lớn đến uy tín thương hiệu sản phẩm và người trồng dâu cũng như niềm tin của khách hàng". Bà Nguyễn Thị Xuân Huệ, chủ vựa dâu tây Phúc Huệ (phường 8, TP Ðà Lạt) cho biết: "Từ khi các đối tượng liên tục nhập dâu tây Trung Quốc về để nhập nhèm thương hiệu dâu tây bản địa đã gây ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của chúng tôi. Dâu tây Ðà Lạt bị sụt giá, sức mua của khách hàng giảm hơn trước nhiều". Xã Xuân Thọ, TP Ðà Lạt, được xem là vùng chuyên canh cây lấy củ. Hằng năm, tại đây xuống giống từ 150 đến 200 ha khoai tây, sản lượng từ ba đến bốn nghìn tấn. Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Ðức Bình cho rằng: "Tình trạng khoai tây Trung Quốc trà trộn thời gian qua, gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và tâm lý người tiêu dùng. Khách hàng muốn mua nông sản Ðà Lạt, nhưng có lúc hoài nghi vì khó nhận diện".

Làm giả giống lúa, gạo

Thời gian gần đây, khi lúa ST24, ST25 đang được giá trên thị trường thì nhiều nguồn lúa giống trôi nổi in nhãn mác các giống lúa này được bán ra thị trường bằng nhiều thủ đoạn nhằm tránh sự phát hiện của ngành chức năng. Sau thời gian điều tra, lực lượng chức năng tỉnh Bạc Liêu kiểm tra và phát hiện một lượng lớn bao lúa giống ST24 giả tại HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân. Lý giải việc này, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng Lê Văn Tổng cho rằng, năm 2020 thấy giống lúa ST24 rất phù hợp để phát triển mô hình lúa - tôm cho nên HTX đã mua giống lúa này của doanh nghiệp Hồ Quang Trí, sau đó giao lại cho các thành viên sản xuất và thu về tự làm giống. Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu cũng phát hiện một hộ dân ở xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân trồng lúa ST24 sau đó nhờ HTX Nông nghiệp Quyết Thắng sàng lọc và đóng bao làm lúa giống để bán ra thị trường. Như vậy, cả hai trường hợp này, cơ quan chức năng phát hiện hơn 100 bao (loại 40 kg/bao) lúa vi phạm bản quyền bảo hộ lúa giống ST24. Nguy hiểm hơn là HTX Nông nghiệp Quyết Thắng đã "hô biến" lúa thịt (lúa hàng hóa) để làm lúa giống. Nếu lượng lúa giống giả này không bị phát hiện và bán ra thị trường sẽ gây tổn thất cho nông dân và làm giảm uy tín của lúa giống ST24.

Trước đó, cuối năm 2019 tại thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), cơ quan chức năng cũng phát hiện 54 bao lúa giống in nhãn nhái giống ST24 và OM18 ở một cơ sở trên địa bàn. Không chỉ làm giả, nhái lúa giống, hiện nay, tình trạng giả gạo ST25 cũng đang xuất hiện ở một số địa phương, khiến người tiêu dùng khó phân biệt được thật, giả. Qua tìm hiểu thực tế tại các cửa hàng bán gạo ở đồng bằng sông Cửu Long, gạo ST25 có thời điểm được chào bán với hai loại khác nhau, trong đó loại gạo chuẩn 5 kg được bán với giá 36.000 đồng/kg, nhưng gạo bao 10 kg giả chỉ có giá 30.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá gạo ST25 cao là vì doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (doanh nghiệp độc quyền sản xuất gạo ST25) sản xuất chưa nhiều, cung không đủ cầu. Doanh nghiệp này cũng không phân phối trực tiếp cho nên khách hàng muốn mua gạo phải qua các đại lý khiến giá bị đẩy lên.

Giảm niềm tin của người tiêu dùng

Có thể thấy, hiện nay nhiều nông sản đặc trưng ở các vùng, miền đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, chính từ sự "tín nhiệm" của người mua cho nên trên thị trường xuất hiện không ít các mặt hàng không cùng xuất xứ, trà trộn, bám vào các nhãn hiệu đã được định hình để tồn tại, vừa gây khó khăn trong lựa chọn cho người tiêu dùng, vừa làm giảm uy tín của sản phẩm gốc. Chị Nguyễn Thu Trang, ở đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: "Lâu nay, gia đình tôi thường xuyên mua các sản phẩm nông sản có nhãn hiệu, xuất xứ từ các địa phương chuyên nuôi, trồng. Ðịa chỉ mua được lựa chọn thường là các siêu thị có uy tín, các cửa hàng thực phẩm sạch. Tuy nhiên, hiện nay, tại các cửa hàng nhỏ lẻ hay các khu chợ cóc cũng bày bán nhiều sản phẩm gắn nhãn mác các sản phẩm có tiếng và khi được hỏi, người bán đều nói nhập từ các địa phương về, mức giá thường thấp hơn trong cửa hàng hay siêu thị với lý do họ không mất quá nhiều tiền thuê mặt bằng". Theo chị Trang, nếu không sử dụng sản phẩm thì không thể rõ thực hư chất lượng như thế nào nhưng việc bày bán khắp nơi với các mức giá khác nhau, không có sự kiểm soát hay chứng nhận của bất cứ đơn vị chức năng nào cũng khiến người tiêu dùng hoang mang và là kẽ hở để người bán trà trộn các sản phẩm kém chất lượng vào hàng có nguồn gốc xuất xứ chính danh. Chị Nguyễn Thanh Tâm, phường Quang Trung, quận Hà Ðông (Hà Nội) chia sẻ: "Có lần do bận không ra được siêu thị mua hoa quả nên tạt qua chợ dân sinh gần nhà mua. Tại các quầy bán, bày la liệt nào cam Cao Phong, bưởi Diễn… với giá rẻ hơn nhiều lần ở siêu thị. Người bán cũng khẳng định là hàng chuẩn. Tôi mua vài kg cam, bưởi nhưng khi bổ ra, vừa chua, lại khô. Mang trở lại quầy bán, chủ cửa hàng vẫn khăng khăng đó là trái cây đúng thương hiệu và không đồng ý cho trả lại".

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa (Lào Cai) Triệu Thiết Nghĩa, để phân biệt sản phẩm nông sản của Sa Pa và nông sản giả thì quả lê bản địa Sa Pa nhỏ, có mùi thơm đặc trưng, chỉ cho thu hoạch trong khoảng thời gian ngắn, từ tháng 7 đến giữa tháng 8. Hiện nay, toàn thị xã có khoảng 163 ha, tập trung ở xã Tả Phìn và khu vực Ô Quý Hồ, Sa Pả với sản lượng khoảng 380 tấn, rất ít so với nhu cầu thị trường. Ðối với giống mận bản địa Sa Pa, gồm mận đỏ Tả Van, mận Tả Lý quả to, mầu đỏ sậm, mận hậu mầu xanh; hiện nay, diện tích có khoảng 152 ha, tập trung tại hai xã Tả Van, Mường Hoa và hai phường Sa Pả, Ô Quý Hồ với sản lượng khoảng 220 tấn, thời gian thu hoạch mận từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 7 hằng năm. Còn giống đào bản địa Sa Pa, gồm có đào Mèo mỏ quạ, đào Pháp chín sớm với khoảng 284 ha, tập trung tại các xã Ngũ Chỉ Sơn, Trung Chải, Tả Phìn và hai phường Sa Pả, Ô Quý Hồ, sản lượng khoảng 480 tấn, thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 6. Vì vậy, các loại mận, lê, đào đúng của Sa Pa, người tiêu dùng chỉ nên tìm mua trong thời gian này.

Bài, ảnh: HÙNG TUYẾT, HỒNG HẢO và PHONG BẢO

(Còn nữa)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/bao-ve-thuong-hieu-nong-san-622855/