Bảo vệ thủy sản mùa mưa bão
Nhằm giảm thiệt hại cho các hộ nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão, ngành Nông nghiệp và các hộ nuôi trồng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ an toàn nuôi trồng thủy sản trước diễn biến phức tạp của thời tiết.
Chủ động ứng phó
Huyện Na Hang hiện có trên 1.000 lồng cá, với hơn 100 hộ nuôi, tổng sản lượng khai thác đạt 700 tấn/năm. Nghề nuôi cá đặc sản đã giúp không ít hộ gia đình có thu nhập khá. Hiện đang là thời điểm mùa mưa lũ, thời tiết, nhiệt độ thay đổi thất thường ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và năng suất, sản lượng cá. Các hộ nuôi cá lồng chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống mưa, gió lớn nhằm giảm nguy cơ rủi ro và tăng hiệu quả trong chăn nuôi.
Anh Phùng Xuân Sơn, thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú (Na Hang) cho biết, hiện nay gia đình anh nuôi hơn 10 lồng cá đặc sản gồm cá lăng, cá bỗng, trắm đen ngay dưới chân thác Pắc Hẩu đổ ra hồ sinh thái Na Hang, để hạn chế thấp nhất thiệt hại, ngay trước mùa mưa bão, gia đình kiểm tra, gia cố lại hệ thống lồng nuôi, thay mới những tấm lưới cũ, rách. Khi có thông tin về tình hình mưa bão hay thủy điện xả lũ, gia đình sẽ điều chỉnh hạ độ sâu của lồng để giảm thiểu thiệt hại, nếu cần thiết di chuyển các lồng cá đến những nơi kín gió, dòng chảy nhẹ để tránh làm vỡ lồng. Hơn nữa, vào mùa mưa, thời tiết thay đổi, mực nước lên xuống thất thường, cùng với đó là vị trí lồng nuôi của gia đình nằm ở chân thác, cá dễ mắc bệnh nên phải chú ý bổ sung các loại thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo môi trường sống tốt cho cá, hạn chế dịch bệnh... Nhờ vậy, đến nay số lồng cá của gia đình đều được bảo vệ an toàn.
Là một trong những hộ dân nuôi cá lồng trên sông Lô đoạn chảy qua thành phố Tuyên Quang, anh Lê Anh Minh, tổ 4, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) cho biết, tận dụng nguồn nước sông Lô, gia đình anh đã đầu tư 10 lồng nuôi cá ngạnh. Cứ bước vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, rác từ thượng nguồn đổ về khá nhiều, mắc vào các lồng cá, nên anh thường xuyên dọn vớt để tránh gây bệnh cho đàn cá, mua thêm dây chão, mỏ neo để gia cố các lồng và giằng lại các thành ngăn nuôi cá. Các lồng cá được neo cẩn thận với cọc cố định trên bờ, khi có diễn biến xấu về thời tiết có thể di chuyển đến vị trí gần bờ, tránh bị trôi khi nước chảy xiết.
Hạn chế thấp nhất thiệt hại
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm, thời tiết thay đổi theo hướng cực đoan, nắng nóng, mưa, bão kéo dài và không theo quy luật. Bởi vậy, để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả trong mùa mưa bão, ổn định và duy trì sản xuất, các cơ quan chức năng cần quan tâm thông tin đầy đủ về tình hình dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai đến người dân để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Đồng chí Đào Duy Quý, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 3.097 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 2.435 lồng cá, tập trung ở các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn. Để chủ động ứng phó cũng như hạn chế thấp nhất rủi ro cho các hộ nuôi thủy sản mùa mưa lũ, trước mùa mưa bão, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã có công văn gửi các huyện về thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn nuôi trồng thủy sản mùa mưa bão. Bên cạnh đó, Chi cục chỉ đạo cán bộ chuyên môn tại các huyện phối hợp với các xã, thị trấn rà soát ao nuôi, lồng nuôi có nguy cơ xảy ra ngập lụt để tuyên truyền bà con thực hiện biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi trồng thủy sản.
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo, các hộ nuôi trồng thủy sản thường xuyên kiểm tra ao, hồ, lồng, bè, gia cố lại lưới, hệ thống dây neo, các trang thiết bị bảo đảm an toàn và có biện pháp bảo vệ tránh thất thoát thủy sản. Khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng cần khẩn trương thu hoạch các đối tượng nuôi đã đạt kích thước thương phẩm, di chuyển lồng, bè vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ. Trong thời gian bão, áp thấp nhiệt đới cần giảm hoặc dừng cho cá ăn, khi có mưa lớn tiến hành xả nước tầng mặt; sau mưa, bão cần bổ sung khoáng chất, men tiêu hóa cho đối tượng nuôi và sử dụng chế phẩm sinh học cho ao nuôi...
Với sự tích cực tuyên truyền của các cấp chính quyền, ngành chức năng và sự chủ động của người dân, hy vọng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh sẽ được bảo vệ, phát triển ổn định. Từ đó, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân trước diễn biến phức tạp của thời tiết.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/bao-ve-thuy-san%C2%A0mua-mua-bao-193403.html