Bảo vệ tốt diện tích rừng do doanh nghiệp bàn giao
Sau thời gian thực hiện thí điểm, việc khoán rừng cho doanh nghiệp quản lý đã mang lại hiệu quả rõ nét. Tuy nhiên, theo Luật Lâm nghiệp và các văn bản dưới luật, đối tượng nhận khoán rừng là tổ chức kinh tế (doanh nghiệp) chưa có nên phải dừng việc khoán rừng cho doanh nghiệp, đã gây khó khăn không chỉ với các cơ quan chuyên môn mà còn với địa phương và tỉnh. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã phỏng vấn ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của việc giao rừng cho doanh nghiệp quản lý?
Ông Tô Mạnh Tiến: Cuối năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện việc thí điểm “Khoán rừng cho doanh nghiệp thủy điện trên địa bàn tỉnh Lào Cai”, Công ty Phúc Khánh là đơn vị thực hiện thí điểm tại cụm thủy điện xã Nậm Tha (huyện Văn Bàn). Ngày 3/1/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản về việc thí điểm dự án khoán quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn cho tổ chức kinh tế. Sau hơn 2 năm thực hiện, để có cơ sở đánh giá tính khả thi, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản 296 ngày 29/9/2016 gửi Bộ NN&PTNT về việc báo cáo đề xuất dự án khoán quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thuộc lưu vực nhà máy thủy điện; Bộ NN&PTNT có văn bản 9504 ngày 10/11/2016 đồng ý cho tỉnh Lào Cai mở rộng đối với Công ty Thăng Long.
Đối với Công ty Phúc Khánh, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao khoán quản lý bảo vệ 3.780,4 ha (3.429,8 ha rừng tự nhiên; 350,6 ha đất trống chưa có rừng). Đối với công ty Thăng Long, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao bảo vệ 5.898,2 ha (5.422,6 ha rừng tự nhiên; 30,7 ha rừng trồng, 444,9 ha đất trống chưa có rừng).
Hằng năm, Sở NN&PTNT đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện Bát Xát, Văn Bàn và các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo vệ rừng đối với 2 tổ chức kinh tế nói trên định kỳ 6 tháng/lần và kiểm tra, giám sát đột xuất.
Thông qua việc khoán rừng cho doanh nghiệp quản lý, hằng năm đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước tương đương khoảng 2,9 tỷ đồng cho toàn bộ diện tích đã khoán cho doanh nghiệp (tính theo mức chi trả bình quân được quy định tại Quyết định 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016).
Diện tích rừng giao khoán được bảo vệ tốt, không có tình trạng phát phá, khai thác lâm sản trái phép và không xảy ra cháy rừng. Hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học cải thiện rõ rệt, bảo đảm chức năng phòng hộ cũng như đảm bảo nguồn sinh thủy, cung cấp nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân trong vùng, hạn chế xói mòn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Phóng viên: Vì sao lại tạm dừng việc khoán rừng cho doanh nghiệp quản lý trong khi hiệu quả rất rõ ràng, thưa ông?
Ông Tô Mạnh Tiến: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khi kết thúc thí điểm cần có đánh giá cụ thể. Do vậy, ngoài việc tổ chức đánh giá của các ngành chức năng và UBND 2 huyện, ngành nông nghiệp đã mời tư vấn độc lập do Cơ quan Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) hỗ trợ tài chính để tổ chức đánh giá. Kết quả đánh giá đều khẳng định rất hiệu quả và đây là mô hình hợp tác công - tư đầu tiên trong toàn quốc về việc tổ chức khoán rừng cho doanh nghiệp thủy điện gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của cộng đồng, xã hội, có sự tham gia quản lý của Nhà nước.
Tuy nhiên theo Luật Lâm nghiệp và các văn bản dưới luật thì đối tượng nhận khoán rừng là tổ chức kinh tế (doanh nghiệp) chưa có, mới chỉ có hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ... do vậy phải tạm dừng việc khoán rừng cho doanh nghiệp quản lý.
Phóng viên: Gần 9.700 ha rừng, đất lâm nghiệp do doanh nghiệp quản lý sẽ được bàn giao lại cho Nhà nước, việc này rõ ràng đang đặt ra rất nhiều khó khăn cho cơ quan chuyên môn và địa phương?
Ông Tô Mạnh Tiến: Việc không tiếp tục khoán rừng cho doanh nghiệp chắc chắn sẽ đặt ra nhiều khó khăn không chỉ với các cơ quan chuyên môn mà còn với địa phương và tỉnh.
Đó là phải tổ chức lại việc giao khoán, mất thời gian trong việc giao - nhận hàng nghìn ha rừng, xác định diện tích, trạng thái của từng lô rừng.Sau khi nhận về từ doanh nghiệp, tiếp tục mất thời gian để thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư. Việc bố trí kinh phí bổ sung từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia nhận khoán bảo vệ rừng trong thời điểm này (giữa năm) chắc chắn không đơn giản. Tại các xã chỉ có thể bố trí từ 1 đến 2 công chức kiểm lâm nên việc kiểm tra, giám sát thường xuyên rất khó khăn. Chính quyền cơ sở cũng gặp khó khăn trong công tác quản lý và hiện nay trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở trong công tác bảo vệ rừng đã được quy định cụ thể trong Luật Lâm nghiệp, Chỉ thị 13 của Ban Bí thư và Nghị quyết 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Phóng viên: Vậy cần có giải pháp căn cơ để bảo vệ tốt diện tích rừng do doanh nghiệp bàn giao, thưa ông?
Ông Tô Mạnh Tiến: Trước mắt sẽ tiến nhận và quản lý, sử dụng hiệu quả các cơ sở vật chất, trang - thiết bị và lực lượng bảo vệ rừng của 2 công ty bàn giao cho địa phương, chủ rừng quản lý sử dụng, không gây xáo trộn, gián đoạn công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm rà soát, sắp xếp và tăng cường lực lượng cho Hạt Kiểm lâm Văn Bàn để bổ sung thường trực trên các trạm, chốt bảo vệ rừng tiếp nhận từ 2 công ty. Thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách hoặc đặc thù đối với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Văn Bàn và huyện Bát Xát.
Hạt Kiểm lâm 2 huyện Văn Bàn, Bát Xát phối hợp với UBND các xã có rừng được bàn giao lại kiện toàn lại các tổ, nhóm bảo vệ rừng; bàn giao cụ thể về ranh giới, phạm vi nhận khoán bảo vệ cho các tổ, nhóm nhận khoán bảo vệ rừng; xây dựng quy chế quản lý bảo vệ rừng và bổ sung, điều chỉnh quy chế phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ và UBND các xã trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Phối hợp chặt chẽ với UBND 2 huyện Văn Bàn, Bát Xát trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhóm giải pháp để việc quản lý bảo vệ rừng được tiếp tục và đảm bảo theo quy định. Kiến nghị với Bộ NN&PTNT báo cáo Chính phủ cho sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, đặc biệt là mở rộng đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng quy định tại Nghị định số 168 của Chính phủ...
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!