Bảo vệ trà lúa tôm đang vào thu hoạch

Mưa trái mùa kéo dài trong những ngày qua đã gây khó khăn cho sản xuất của người dân, đặc biệt là với trên 43 ngàn ha lúa trên đất nuôi tôm đang vào thời điểm thu hoạch rộ. Để hạn chế tối đa diện tích lúa bị đổ ngã và thất thoát sau thu hoạch, nhiều bà con nông dân lựa chọn hình thức thu hoạch phù hợp.

Vùng sản xuất lúa tôm trên địa bàn huyện Cái Nước, bà con nông dân xuống giống được hơn 1.500 ha, tập trung ở các xã: Lương Thế Trân, Thạnh Phú, Phú Hưng, Hưng Mỹ và Hòa Mỹ.

Vùng sản xuất lúa tôm trên địa bàn huyện Cái Nước, bà con nông dân xuống giống được hơn 1.500 ha, tập trung ở các xã: Lương Thế Trân, Thạnh Phú, Phú Hưng, Hưng Mỹ và Hòa Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, thông tin, vụ lúa tôm năm nay, toàn tỉnh xuống giống 43.102 ha, tăng 16,17% so với kế hoạch, tăng 8,58% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở các huyện: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước và TP Cà Mau. Hiện nay, lúa đang giai đoạn trổ và chín rộ, bà con nông dân đã thu hoạch được 1.871 ha, năng suất ước đạt 4,33 tấn/ha. Giá bán lúa tươi từ 8.400-12.000 đồng/kg, tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg so cùng kỳ.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa trái mùa kéo dài trong những ngày qua, bà con nông dân không thể đưa cơ giới vào thu hoạch, không chỉ chậm tiến độ, mà còn làm cho diện tích lúa tôm đứng trước nguy cơ đổ ngã, hạt lúa mọc mọng, giảm năng suất và chất lượng.

Riêng vùng sản xuất lúa tôm trên địa bàn huyện Cái Nước, bà con nông dân xuống giống được hơn 1.500 ha, tập trung ở các xã: Lương Thế Trân, Thạnh Phú, Phú Hưng, Hưng Mỹ và Hòa Mỹ. Trước tình trạngmưa trái mùa, bà con nông dân đã chủ động các biện pháp thu hoạch phù hợp nhằm hạn chế ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng, cho biết, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con nông dân duy trì mực nước trong ruộng lúa tôm cao nhất có thể nhằm gia cố thân cây lúa thêm vững chắc, hạn chế tối đa sập đổ khi mưa trái mùa kéo dài kèm theo dông lốc. Riêng đối với diện tích lúa tôm không may bị sập đổ, hướng dẫn bà con nông dân bơm cạn nước ruộng, hạn chế tối đa bông lúa bị chìm sâu trong nước để không làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Với giải pháp ứng phó này, diện tích lúa tôm của bà con nông dân trên địa bàn ấp được bảo vệ an toàn, chưa xảy ra thiệt hại do mưa trái mùa.

Ông Trần Văn Thanh, ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng, thuê nhân công thu hoạch lúa trên đất nuôi tôm.

Ông Trần Văn Thanh, ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng, thuê nhân công thu hoạch lúa trên đất nuôi tôm.

Không thể đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch ruộng lúa tôm, hộ ông Trần Văn Thanh, ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng, thuê nhân công thu hoạch. Ông Thanh chia sẻ, giá thuê nhân công thu hoạch là 600 ngàn đồng/công tầm lớn (1.296 m2), chưa kể khâu vận chuyển lúa bó và thuê máy suốt lúa với giá 20 ngàn đồng/bao 50 kg, nhưng gia đình hết sức phấn khởi vì lúa trúng mùa. Ước tính, sau trừ chi phí cải tạo, bơm tát nước, lúa giống và phân bón, gia đình có lãi khoảng 30 triệu đồng/ha. Ngoài ra, môi trường vuông tôm còn được cải thiện, tái tạo nguồn thức ăn tự nhiên giúp tôm nuôi phát triển và thu hoạch đạt năng suất cao.

Vụ mùa năm nay, ông Mai Phước Toàn, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, gieo sạ gần 1 ha lúa tôm với giống ST24, đây là giống lúa chất lượng cao. Diện tích lúa cho thu hoạch đúng vào thời điểm mưa trái mùa, gia đình ứng phó bằng cách thuê thu hoạch theo hình thức thủ công. Ngay sau khi thu hoạch, ông vận chuyển lúa bó lên bờ vuông tôm, khéo léo dựng bó lúa theo hướng chỉ thiên, khi có mưa thì dùng cao su che chắn, không để ngấm nước, khi thời tiết thuận lợi sẽ thuê máy ra ruộng lúa tôm suốt lúa, không làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng, bán được giá cao.

Ông Mai Phước Toàn, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, vận chuyển lúa bó lên bờ vuông tôm ngay sau khi thu hoạch.

Ông Mai Phước Toàn, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, vận chuyển lúa bó lên bờ vuông tôm ngay sau khi thu hoạch.

Mặc dù do ảnh hưởng mưa trái mùa kéo dài nhưng bà con nông dân vùng sản xuất lúa tôm trên địa bàn huyện Cái Nước ứng phó đồng bộ, phù hợp và hiệu quả các giải pháp, không làm ảnh hưởng đến năng suất lúa tôm. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng, cho biết: “Qua theo dõi và nắm bắt hình sản xuất của bà con nông dân, có một số hộ đã thu hoạch, năng suất đạt khá cao, trung bình hơn 30 giạ/công. Cá biệt một số hộ có kinh nghiệm, kết hợp với đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khâu cải tạo đất, rửa mặn, chọn giống lúa gieo sạ phù hợp và bón phân đúng quy trình hướng dẫn của ngành chuyên môn nên năng suất đạt từ 40-50 giạ/công”.

Hiện bà con nông dân vùng sản xuất lúa tôm huyện Cái Nước cũng như trong tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thu hoạch theo hình thức thủ công và dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 12 này.

Theo ông Trịnh Xuân Hưng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, cho biết, tổng lương mưa từ ngày 11-15/12 đo ở các trạm từ 295,0 – 631,8 mm, cao hơn trung bình nhiều năm từ 5- 50%. Dự báo từ đây đến cuối tháng ít xảy ra các cơn mưa trái mùa. Tuy nhiên, từ tháng 1-2/2025 khả năng sẽ xuất hiện những đợt mưa trái mùa, cao hơn cùng kỳ nhiều năm từ 20-50%, trong cơn mưa kèm theo dông, lốc, sét gây nguy hiểm cho con người và ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của người dân. Do đó, bà con cần đề phòng, bảo vệ tính mạng, tài sản và sản xuất.

Trung Đỉnh - Việt Tiến

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/bao-ve-tra-lua-tom-dang-vao-thu-hoach-a36180.html