Bảo vệ trẻ em khỏi nạn mua, bán người

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã ra lời kêu gọi tăng cường các nỗ lực bảo vệ trẻ em trước nạn buôn người. Thông điệp này được đưa ra nhân Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người 30-7.

Các tổ chức tội phạm mạng là mối đe dọa lớn đối với trẻ em. Ảnh: MAKERS EMPIRE

Các tổ chức tội phạm mạng là mối đe dọa lớn đối với trẻ em. Ảnh: MAKERS EMPIRE

Trẻ em chiếm 1/3 số nạn nhân của buôn người

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người năm nay là “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố: “Buôn người là một tội ác khủng khiếp nhằm vào những người dễ bị tổn thương trong xã hội. Chúng ta cần tập trung bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, đó là trẻ em”.

Theo ông Antonio Guterres, trẻ em chiếm 1/3 số nạn nhân của buôn người, cũng như phải đối mặt với tình trạng lạm dụng kinh hoàng, như bị ép buộc lao động, bị bán làm cô dâu, phải đi lính hay buộc phải tham gia các hoạt động phạm pháp.

Tổng Thư ký Antonio Guterres kêu gọi chính phủ các nước, xã hội dân sự và khu vực tư nhân, trong đó có các công ty công nghệ tăng cường những nỗ lực và hợp tác để không có trẻ em nào trở thành nạn nhân, không có kẻ buôn người nào thoát khỏi sự trừng phạt; đồng thời tái khẳng định các cam kết của chúng ta về một tương lai, trong đó mọi trẻ em đều được an toàn và tự do.

Theo Liên hợp quốc, tình trạng bất bình đẳng gia tăng và toàn cầu hóa là nguyên nhân hình thành các mạng lưới buôn người tinh vi thách thức các khuôn khổ pháp lý truyền thống, tạo ra các hình thái nô lệ kiểu mới; các nền tảng trực tuyến khiến trẻ em dễ bị lạm dụng tình dục, bị bạo lực giới và tạo sơ hở để những kẻ buôn người nhắm tới các nạn nhân ở nước khác.

Đe dọa tiến bộ đạt được

Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) mới đây cho biết đang đẩy mạnh hoạt động chống nạn buôn người và đưa người di cư trái phép, trong đó chống buôn bán trẻ em sẽ là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, UNODC nhấn mạnh mối liên quan giữa buôn bán người và đưa người di cư trái phép cũng như các tội phạm có tổ chức khác, trong đó có tội phạm mạng, rửa tiền, buôn bán ma túy, vũ khí và tham nhũng. Văn phòng UNODC sẽ mở rộng sự hiện diện trên thực tế, triển khai các chuyên gia tại những quốc gia cần hỗ trợ nhất, đồng thời đẩy mạnh cam kết phát triển bền vững và bình đẳng giới.

Người đứng đầu bộ phận chống buôn người và đưa người di cư trái phép của UNODC Ilias Chatzis nêu rõ, những tiến bộ đạt được về chống buôn bán và đưa người di cư trái phép trong 2 thập niên qua “đang bị đe dọa” do những thách thức toàn cầu, trong đó có xung đột, dòng người di cư và tị nạn lớn, tội phạm mạng, biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19. Theo đó, các cuộc khủng hoảng tài chính, xung đột vũ trang và di dời bắt buộc do đại dịch Covid-19 gây ra đã khiến hệ thống tư pháp bị quá tải, làm giảm đáng kể các cuộc điều tra, truy tố, nhận dạng và bảo vệ nạn nhân.

Ngày 29-7, Liên hợp quốc tổ chức cuộc họp để tìm cách hoàn thiện một hiệp ước quốc tế về cuộc chiến chống tội phạm mạng. Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng được khởi xướng từ năm 2017 khi các nhà ngoại giao Nga gửi cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc lá thư trình bày về sáng kiến này. 2 năm sau, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thành lập một ủy ban liên chính phủ có nhiệm vụ soạn thảo một hiệp ước về vấn đề này dù các thành viên Mỹ và Liên minh châu Âu phản đối. Giờ đây, trong cuộc họp kéo dài 2 tuần, các nước sẽ thảo luận để thông qua bản dự thảo cuối cùng của công ước.

MINH CHÂU tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bao-ve-tre-em-khoi-nan-mua-ban-nguoi-post751603.html